Thứ sáu, 29/03/2024

BÀN VỀ CHẾ ĐỊNH CHẾ ĐỘ TÀI SẢN CỦA VỢ CHỒNG THEO THỎA THUẬN

3390
0

Nguyễn Anh Tuấn

Việc kết hôn là một trong những nhu cầu và quyền năng cơ bản của con người. Tuy nhiên, việc kết hôn chỉ làm phát sinh ra một gia đình nhưng để có thể giữ vững cho sự tồn tại của hôn nhân thì gia đình đó trước tiên phải có các mối quan hệ không thể thiếu, đó là tình cảm, tình yêu và chất súc tác đó là tài sản đảm bảo các nhu cầu thiết yếu và do đó chúng ta không thể tách rời quan hệ hôn nhân và các quan hệ về tài sản khi đánh giá về mặt pháp lý. Xuất phát từ những tính chất đặc thù của các quan hệ tài sản trong hôn nhân cho nên về mặt pháp lý Luật Hôn nhân và Gia đình đã có một chế định riêng về chế độ tài sản của vợ chồng để điều chỉnh các quan hệ tài sản này. Ngoài chế độ tài sản của vợ chồng theo pháp luật Luật HN&GĐ đã bổ sung thêm một chế định nữa là chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận. Đây là một chế định rất tiến bộ và đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng tuy nhiên hiện nay con đường từ luật pháp đến thực tế của nước ta đối với chế định trên còn rất hạn chế.

1. Căn cứ phát sinh và các điều kiện để thỏa thuận tài sản của vợ chồng có hiệu lực

Trong mỗi quan hệ pháp luật, bước đầu tiên để có thể tiến hành các quan hệ đó, chính là bên trong quan hệ phải xác lập được giao dịch. Chỉ khi quan hệ được xác lập thì các chủ thể tham gia mới được ấn định một tư cách nhất định hay nói một cách lý thuyết hơn là người đó có “địa vị pháp lý” và chính các tư cách này mới ấn định ra cho họ những quyền và nghĩa vụ và trách nhiệm cụ thể. Rõ ràng mỗi quan hệ pháp luật được xác lập đều phải đáp ứng được các điều kiện xác lập nhất định và đối với thỏa thuận tài sản của vợ chồng cũng như vậy. là một chế định dân sự và có tính thỏa thuận nên căn cứ để phát sinh chế định này không gì khác ngoài một thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng. Hiện nay thỏa thuận này được quy định tại Điều 47 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 như sau:

Điều 47: Thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng

Trong trường hợp hai bên kết hôn lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn.”

Căn cứ vào quy định tại Điều 47 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 chúng ta thấy rằng để có thể xác lập được chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận thì thỏa thuận xác lập sẽ phải đáp ứng được một số điều kiện như sau:

Thứ nhất, thỏa thuận xác lập phải được lập trước khi kết hôn:

Căn cứ vào quy định tại Điều 47 thì pháp luật chỉ cho phép các cặp đôi lựa chọn chế độ tài sản này trước khi kết hôn, theo đó cả hai bên trước khi phát sinh quan hệ hôn nhân phải lập thỏa thuận xác lập chế độ tài sản trước thì thỏa thuận này mới có hiệu lực và được áp dụng. Điều đó cũng có nghĩa các cặp vợ chồng đã kết hôn rồi không thể lựa chọn được chế độ tài sản của vợ chồng này mà buộc phải thực hiện theo chế độ tài sản trong hôn nhân theo luật định.

Thứ hai, Hình thức của thỏa thuận xác lập chế độ tài sản phải là văn bản và được công chứng, chứng thực theo luật định

Đây là điều kiện về mặt hình thức của thỏa thuận. Khoản 2 Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.” Như vậy, trong trường hợp này, thỏa thuận về tài sản của vợ chồng trước khi kết hôn bắt buộc phải lập thành văn bản và có công chứng, chứng thực thì mới có giá trị pháp lý. Mọi hình thức còn lại đều không có giá trị pháp lý. Nếu các điều kiện khác đáp ứng đủ, còn điều kiện về hình thức không đáp ứng được cũng không có tác dụng xác lập chế độ tài sản theo thỏa thuận. Như vậy căn cứ vào quy định tại Điều 47 luật HN&GĐ năm 2014 chúng ta có thể thấy pháp luật ấn định rằng hình thức của một văn bản thỏa thuận xác lập chế độ tài sản vợ chồng phải bằng văn bản và có công chứng theo pháp luật. Nếu các điều kiện khác đảm bảo nhưng thỏa thuận lại không được lập theo hình thức trên thì coi như là vô hiệu

Nhìn chung quy định của điều 47 liên quan đến hình thức của thỏa thuận có công chứng có rất nhiều điểm tương đồng của các quy định luật nước ngoài cùng về vấn đề này, một minh chứng tương đối cụ thể mà chúng ta có thể đối chiếu và so sánh đó là quy định tại Điều 1394 Bộ luật dân sự Cộng Hòa Pháp:

“Toutes les conventions matrimoniales seront rédigées par acte devant notaire, en la présence et avec le consentement simultanés de toutes les personnes qui y sont parties ou de leurs mandataires”.

“Tất cả hợp đồng hôn nhân sẽ được soạn thảo bằng văn bản công chứng lập bởi Công chứng viên với sự hiện diện và sự đồng ý của tất cả các bên của hợp đồng hoặc người được ủy quyền của họ”.

Thứ ba, hai bên xác lập văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản theo thỏa thuận phải tiến hành đăng ký kết hôn:

Vì chế độ tài sản theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn, nên các bên phải tiến hành đăng ký kết hôn thì mới xác lập được chế độ tài sản theo thỏa thuận. Do đó, những trường hợp kết hôn trái pháp luật, những trường hợp đăng ký kết hôn tại cơ quan không đúng thẩm quyền, về nguyên tắc sẽ không thể xác lập chế độ tài sản theo thỏa thuận, dù đã xác lập văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng trước đó.

Thứ tư, thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng không bị vô hiệu toàn bộ:

Ở đây chúng ta cần phải thấy rằng tuy được gọi tên với một tên gọi là “chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận” thế nhưng bản chất của chế độ tài sản này là một thỏa thuận một giao dịch dân sự là một quan hệ có tính hợp đồng. Do đó để một quan hệ dân sự có thể đưa vào thựa hiện được một trong các điều kiện tiên quyết đó là hợp đồng đó phải có hiệu lực hay nói ở một cách khác là nó không bị vô hiệu. Vô hiệu có hai dạng thứ nhất đó là giao dịch vô hiệu toàn bộ và hai là vô hiêu từng phần. Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì Thỏa thuận về tài sản của vợ chồng chỉ bị vô hiệu khi bị Tòa án tuyên bố vô hiệu. Thỏa thuận này có thể bị vô hiệu một phần hoặc vô hiệu toàn bộ. Nhưng chỉ có trường hợp vô hiệu toàn bộ mới không có tác dụng xác lập chế độ tài sản theo thỏa thuận còn trường hợp chỉ bị vô hiệu một phần thì có thể hoàn toàn thực hiện các nội dung còn lại và không phải thực hiện nội dung bị vô hiệu.

2. Sự chấm dứt thỏa thuận xác lập tài sản chung của vợ chồng 

Khi đánh giá các quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 ta có thể nhận thấy ở các nội dung của điều khoản quy định tương đối rõ ràng về các căn cứ và điều kiện để một thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng được phát sinh và có hiệu lực. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại Luật HN&GĐ chưa đưa ra một quy phạm có nội dung cụ thể nào để điều chỉnh đến vấn đề chấm dứt một thỏa thuận chế độ tài sản của vợ chồng. Tuy nhiên khi xem xét các quy định nằm rải rác trong luật Hôn nhân gia đình kết hợp với bản chất và nguyên tắc của giao địch dân sự chúng ta có thể đưa ra một số trường hợp có thể dẫn đến sự chấm dứt của thỏa thuận này như sau:

Thứ nhất, chế độ tài sản của vợ chồng chấm dứt dựa trên thỏa thuận của vợ và chồng:

Hiện nay Luật Hôn nhân và gia định 2014 không có điều khoản nào quy định trực tiếp về trường hợp vợ chồng thỏa thuận chấm dứt chế độ tài sản theo thỏa thuận. Tại điểm c khoản 1 Điều 48 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về nội dung cơ bản của thỏa thuận về chế độ tài sản, trong đó có nội dung “Điều kiện, thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản”:

Điều 48: Nội dung cơ bản của thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng

1. Nội dung cơ bản của thỏa thuận về chế độ tài sản bao gồm:

c) Điều kiện, thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản;

d) Nội dung khác có liên quan”.

Xét quy định nói trên kết hợp với việc bản chất của thỏa thuận này là một giao dịch dân sự dựa trên sự thỏa thuận bình đẳng của các bên đối với mục tiêu chung. Đối với các giao dịch dân sự nguyên tắc cơ bản nhất và có tính rằng buộc cao nhất là tự do thỏa thuận theo đó các bên có thể tự do thỏa thuận xác lập giao dịch và cũng có thể tự mình thỏa thuận để chấm dứt giao dịch. Dựa trên bản chất đó và Điểm c Điều 48 luật Hôn nhân và gia đình 2014 chúng ta có thể suy ra rằng vợ chồng hoàn toàn có quyền để thỏa thuận chấm dứt đối với việc xác lập chế độ tài sản này.

Thứ hai, thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu toàn bộ.

Như đã trình bày ở phần trước, nội dung thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng không bị vô hiệu toàn bộ là 1 trong 4 điều kiện để chế độ tài sản theo thỏa thuận được xác lập. Bởi nội dung thỏa thuận chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu toàn bộ thì chế độ tài sản của vợ chồng đương nhiên sẽ quay về chế độ tài sản truyền thống là chế độ luật định. Điều đó cũng có nghĩa là chế độ tài sản theo thỏa thuận chấm dứt. Trường hợp vô hiệu toàn bộ nghĩa là toàn bộ thỏa thuận đều vô hiệu, không có phần nội dung nào của thỏa thuận có hiệu lực. Trường hợp này mới làm chấm dứt chế độ tài sản theo thỏa thuận.

Theo Điều 50 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng vô hiệu trong các trường hợp sau đây:

1, Không tuân thủ điều kiện có hiệu lực của giao dịch được quy định tại Bộ luật Dân sự và các luật khác có liên quan. Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự được quy định tại Khoản 1 Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015. Theo đó, giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây: Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập; Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện; Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Ngoài ra, Khoản 2 Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định “Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định”.

2, Thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng vi phạm quy định bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của vợ chồng; có sự phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập; vi phạm nguyên tắc bảo đảm điều kiện để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình; việc thực hiện quyền, nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng mà xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, chồng, gia đình và của người khác; vi phạm quyền được bảo đảm chỗ ở của vợ, chồng khi nhà là nơi ở duy nhất1; vi phạm các quy định về giao dịch với người thứ ba ngay tình liên quan đến tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán và động sản khác mà theo quy định của pháp luật không phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng.

3, Nội dung của thỏa thuận vi phạm nghiêm trọng quyền được cấp dưỡng, quyền được thừa kế và quyền, lợi ích hợp pháp khác của cha, mẹ, con và thành viên khác của gia đình. Là trường hợp thỏa thuận đó nhằm trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng quy định từ Điều 110 đến Điều 115 của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 hoặc để tước bỏ quyền thừa kế của những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc theo quy định của Bộ luật Dân sự hoặc vi phạm các quyền, lợi ích hợp pháp của cha, mẹ, con và các thành viên khác của gia đình đã được Luật Hôn nhân và gia đình và pháp luật khác có liên quan quy định.

Thứ ba, quan hệ hôn nhân chấm dứt.

Như chúng ta đã biết đối với chế độ tài sản thì dù là chế độ tài sản của vợ chồng theo pháp luật hay chế độ tài sản theo thỏa thuận thì vẫn là chế độ tài sản trong hôn nhân. Cơ bản các chế độ tài sản này chỉ phát sinh và luôn gắn liền khi có sự phát sinh quan hệ hôn nhân. Do đó sự phát sinh, thay đổi và chấm dứt quan hệ hôn nhân cũng sẽ ảnh hưởng đến chế độ tài sản và một khi quan hệ hôn nhân chấm dứt thì đương nhiên chế độ tài sản của vợ chồng dù là thỏa thuận hay luật định cũng sẽ tự động chấm dứt theo.

3. Các nội dung cơ bản của chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận

Đối vớt bất cứ một quan hệ pháp luật nào vấn đề nội dung của quan hệ pháp luật chính là nội dung cốt lõi trong các quy định của pháp luật. Đây là nội dung quan trong nhất bởi nó giúp định hình nên cách thức của giao dịch, tính chất của quan hệ dân sự, ấn định trách nhiệm nghĩa vụ và quyền lợi cho các bên, không có các quy định về nội dung thì một quan hệ dân sự không thể thực hiện được. Hiện nay, các nội dung của một thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được quy định tại điều 48 luật HN&GĐ 2014 như sau:

Điều 48: Nội dung cơ bản của thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng

1. Nội dung cơ bản của thỏa thuận về chế độ tài sản bao gồm:

a) Tài sản được xác định là tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng;

b) Quyền, nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng và giao dịch có liên quan; tài sản để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của gia đình;

c) Điều kiện, thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản;

d) Nội dung khác có liên quan.”

Căn cứ vào quy định nói trên chúng ta có thể thấy rằng nội dung của chế định này tập trung vào 3 nhóm lớn: i) sự phân định các cấu thành tài sản của vợ chồng; ii) Quyền và nghĩa vụ của các bên với tài sản và giao dịch có liên quan; iii) Điều kiện và nguyên tắc phân chia tài sản khi thỏa thuận chấm dứt

3.1. Sự phân định với các cấu thành tài sản của vợ chồng

Đây là nội dung khá quan trọng vì nó xác định phần quyền sở hữu của vợ chồng đối với từng tài sản cụ thể. Và nội dung này góp phần không nhỏ vào việc chia tài sản sau này khi chấm dứt chế độ tài sản theo thỏa thuận. Việc phân định tài sản càng rõ ràng thì việc chia tài sản sau này càng dễ dàng. Hiện nay tại quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 48 Luật HN&GĐ 2014 cho phép vợ chồng được thỏa thuận về việc phân chia tài sản chung và tài sản riêng của mình. Tuy nhiên quy định của Điều 48 là tương đối chung chung và để giải quyết vấn đề này Điều 15 Nghị định 126/2014/NĐ – CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật hôn nhân và gia đình có sự hướng dẫn cụ thể như sau:

Điều 5: Xác định tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận

1. Trường hợp lựa chọn áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì vợ chồng có thể thỏa thuận về xác định tài sản theo một trong các nội dung sau đây:

a) Tài sản giữa vợ và chồng bao gồm tài sản chung và tài sản riêng của vợ, chồng;

b) Giữa vợ và chồng không có tài sản riêng của vợ, chồng mà tất cả tài sản do vợ, chồng có được trước khi kết hôn hoặc trong thời kỳ hôn nhân đều thuộc tài sản chung;

c) Giữa vợ và chồng không có tài sản chung mà tất cả tài sản do vợ, chồng có được trước khi kết hôn và trong thời kỳ hôn nhân đều thuộc sở hữu riêng của người có được tài sản đó;

d) Xác định theo thỏa thuận khác của vợ chồng.”

Căn cứ vào quy định nói trên thì việc xác định tài sản của vợ chồng có thể được thực hiện thông qua các thỏa thuận như sau:

Thứ nhất, Tài sản giữa vợ và chồng bao gồm tài sản chung và tài sản riêng của vợ, chồng. Với loại thỏa thuận này, vợ chồng phải thỏa thuận cụ thể những tài sản nào là tài sản chung, những tài sản nào là tài sản riêng... phương thức thỏa thuận này cũng giống một phần trong chế độ tài sản theo luật định. Trong chế độ tài sản theo luật định, tài sản giữa vợ và chồng cũng bao gồm tài sản chung và tài sản riêng, chỉ khác là trong chế độ luật định sẽ do pháp luật quy định loại tài sản chung, tài sản riêng theo các tỷ lệ cũng như là những loại tài sản cụ thể luật quy định còn với chế định tài sản theo thỏa thuận việc xác định tài sản nào là chung tài sản nào là riêng phụ thuộc hoàn toàn vào các bên.

Thứ hai, vợ và chồng có thể lựa chọn cách thức thỏa thuận theo hướng giữa vợ và chồng không có tài sản riêng của vợ, chồng, mà tất cả tài sản do vợ, chồng có được trước khi kết hôn hoặc trong thời kỳ hôn nhân đều thuộc tài sản chung. Với cách thỏa thuận này thì hoàn toàn không tồn tại tài sản riêng cũng như nghĩa vụ tài sản riêng giữa vợ và chồng. Cách này hợp với truyền thống của phần lớn con người Việt Nam, với quan niệm “của chồng công vợ” thì tất cả những gì thuộc về vợ hoặc chồng hoặc của hai người đều được xem là tài sản chung của vợ chồng; không có tài sản riêng, không có nghĩa vụ riêng; Vợ chồng phải thương yêu, đùm bọc lẫn nhau, cùng nhau gánh mọi trách nhiệm tinh thần và vật chất. Cách thức này cũng co một nhược điểm khi xác định mọi tài sản đều là tài sản chung thì khi tiến hành phân chia sẽ tương đối khó khắn và sẽ thường có xu hướng áp dụng tương tự cách chia của chế độ tài sản theo pháp luật.

Thứ ba, Giữa vợ và chồng không có tài sản chung mà tất cả tài sản do vợ, chồng có được trước khi kết hôn và trong thời kỳ hôn nhân đều thuộc sở hữu riêng của người có được tài sản đó. Theo cách này, xét trong quan hệ tài sản, vợ và chồng như hai cá thể độc lập, tài sản do ai làm ra sẽ thuộc quyền sở hữu của người đó. Giữa hai người không đương nhiên tồn tại một loại tài sản chung nào. Về cơ bản đây là cách làm tương đối cụ thể và không có sự giao thoa về tài sản giữa vợ chồng, Tuy nhiên vấn đề của phương thức này đó là cách mà vợ chồng sử dụng tài sản riêng và trách nhiệm nuôi dưỡng đối với con nhỏ, Thông thường các gia đình đều có tài sản chung và riêng, việc cấp dưỡng, chu cấp nuôi con. Trong trường hợp mà cả hai bên không có tài sản chung mà không bên nào dùng tài sản để nuôi dưỡng con nhỏ như vậy sẽ liên quan đến vấn đề trách nhiệm của cha mẹ và quyền của trẻ nhỏ được pháp luật bảo vệ

Nhìn chung 3 hướng thỏa thuận trên là các hướng thỏa thuận được pháp luật đặt ra, tuy nhiên Luật Hôn nhân và gia đình cũng cho phép vợ chồng có thể tự chọn cho mình một cách thỏa thuận khác bởi đây là thỏa thuận nên các bên có quyền thiết lập các điều khoản tùy nghi nhưng phải đảm bảo là các điều khoản đó không được trái pháp luật.

3.2 Quyền, nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng và giao dịch có liên quan; tài sản để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của gia đình.

Khi đã xác lập thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng, bên cạnh việc xác định tài sản chung, tài sản riêng, vợ chồng cũng cần phải xác định nghĩa vụ đối với tài sản chung và tài sản riêng và giao dịch có liên quan để dễ dàng ứng xử trong quá trình chung sống. Về cơ bản quy định tại Điều 48 cũng không đưa ra một chuẩn mực nội dung cụ thể nào mà các bên buộc phải thỏa thuận theo bởi lẽ đây là quan hệ có tính thỏa thuận cho nên chỉ cần không vi phạm pháp luật, không xâm phạm đến quyền lợi của bên thứ ba, không vi phạm đạo đức thì hầu hết các điều khoản tùy nghi giữa vợ và chồng hoàn toàn được chấp thuận, các bên có thể thỏa thuận ấn định quyền và nghĩa vụ với từng cấu thành tài sản hoặc lựa chọn cách thỏa thuận khác.

Ngoài ra, các bên cũng phải thỏa thuận phần tài sản để đảm bảo nhu cầu thiết yếu của gia đình. Trong trường hợp các bên thỏa thuận giữa vợ chồng chỉ có tài sản chung, không có tài sản riêng hoặc giữa vợ chồng vừa có tài sản chung vừa có tài sản riêng thì chắc chắn phần tài sản chung cũng sẽ được dùng để đảm bảo nhu cầu thiết yếu của gia đình. Nhưng trong trường hợp, các bên xác định giữa vợ và chồng chỉ có tài sản riêng, không có tài sản chung thì việc thỏa thuận tài sản để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của gia đình là hết sức cần thiết để đảm bảo quyền lợi của con cái, tránh trường hợp đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.

3.3 điều kiện, thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản.

Nhìn chung, quy định tại điều 48 chưa thực sự rõ ràng về vấn đề này, do đó Các bên cần thỏa thuận cụ thể về điều kiện, thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản thỏa thuận để hạn chế xảy ra tranh chấp và tiết kiệm thời gian khi phân chia tài sản. Các bên cần thỏa thuận rõ ràng và cụ thể các vấn đề: Chế độ tài sản theo thỏa thuận chấm dứt trong điều kiện nào; Thủ tục chấm dứt chế độ tài sản theo thỏa thuận; Nguyên tắc phân chia tài sản.

4. Một số điểm bất cập của chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận hiện nay

Cần phải nói rằng chế độ tài sản theo thỏa thuận hay đối với một số nước thường được gọi là chế độ hôn sản ước định (chế độ hôn ước) là một trong những chế định rất tiến bộ trong khoa học pháp lý, được nhiều quốc gia áp dụng và duy trì, tác giả đánh giá việc Luật HN&GĐ 2014 ghi nhận chế định này là một bước tiến rất lớn trong cải cách tư pháp, nó tạo ra sự rõ ràng trong việc phân định và quản lý tài sản của vợ chồng, buộc vợ, chồng phải có trách nhiệm nhất định đối với tài sản và các giao dịch có sử dụng tài sản của vợ chồng, bảo vệ quyền và lợi ích của người thứ ba ngay tình và tranh các tranh chấp. Tuy tiến bộ là vậy nhưng về mặt thực tiễn tại Việt Nam số lượng các cặp vợ chồng có thỏa thuận này là không đáng kể bởi một phần xuất phát từ tâm lý Á Đông và quan điểm cho rằng “của chồng công vợ” và vợ chồng yêu thương nhau thì không cần rõ ràng trong tình cảm và sợ sự thỏa thuận sẽ làm rạn nứt tình cảm. Ngoài một phần do tâm lý, văn hóa thì phần lớn đó là do các bất cập về quy định khiến chế định này không được áp dụng nhiều, cụ thể:

Thứ nhất, đối với quy định liên quan đến điều kiện để chấm dứt quan hệ tài sản theo thỏa thuận

Ở đây một lần nữa chúng ta lại phải bản đến quy định tại Điều 48 luật Hôn nhân gia đình, trong Luật này đây là điều duy nhất đề cập đến các nội dung của một thỏa thuận xác lập chế độ tài sản. Cụ thể ở đây đó là điểm c khoản 1 Điều 48 quy định:” c) Điều kiện, thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản;”.

Khi phân tích quy định trên chúng ta sẽ thấy có nhiều vấn đề tương đối rối rắm bởi lẽ ở đây có thể xuất hiện hai cách thức diễn giải nội dung của điều này. Cách hiểu thứ nhất là như tác giả đã trình bày đó các trường hợp để chấm dứt thỏa thuận và vợ chồng hoàn toàn ccos thể chấm dứt chế độ tài sản bằng một thỏa thuận. Nhưng ở một phương diện khác cách hiểu thứ hai lại cho rằng vợ chồng không có quyền chấm dứt chế độ tài sản bằng một thỏa thuận thỏa thuận. Từ cách hiểu thứ hai đó mà người ta cho rằng nội dung mà pháp luật muốn diễn đạt ở đây chỉ là các nội dung mà vợ chồng thỏa thuận về hậu quả khi chấm dứt chế độ tài sản và cái điều kiện mà Điều 48 nhắc tới là điều kiện chia tài sản chứ không phải là điều kiện để chấm dứt thỏa thuận, ví dụ vợ sẽ được chia thêm tài sản của chồng nếu vợ đáp ứng điều kiện là khi ly hôn vợ đang khó khăn về tài chính, chứ không phải là điều kiện về trường hợp chấm dứt chế độ tài sản theo thỏa thuận. Ngược lại nếu đánh giá theo cách thứ nhất là vợ chồng có quyền thỏa thuận để chấm dứt chế độ tài sản thì thỏa thuận này có bắt buộc phải lập thành văn bản và có công chứng, chứng thực hay không, hay chỉ cần làm theo những thỏa thuận về điều kiện thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản đã thỏa thuận trong văn bản ban đầu, thì pháp luật không quy định.  Ở đây chúng ta đang thấy có sự “ôm đồm” quá nhiều trong một quy định khiến cách hiểu một quy phạm pháp luật không đảm bảo nguyên tắc dễ hiểu và đơn nghĩa. Chỉ nguyên việc này khi tiến hành áp dụng thì các cặp vợ chồng sẽ gặp khó khăn trong việc xác định rằng mình sẽ phải thỏa thuận về việc trường hợp nào chấm dứt thỏa thuận hay phải thỏa thuận chia tài sản thế nào sau khi chế độ tài sản chấm dứt. 

Thứ hai, Chưa có quy định rõ ràng về khung pháp lý và một số điều khoản cụ thể với chế định thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng

Hiện nay các nội dung mà vợ chồng có thể thỏa thuận ở trong một thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng chỉ có các nội dung tương đối ngắn gọn. Tác giả cho rằng quy định này còn đang mang tính sơ sài và tình thế. Bởi lẽ đây là một chế định tương đối mới và chưa hề được áp dụng ở Việt Nam ở một thời gian rất dài, trong khi đó với các quốc gia phát triển về lĩnh vực pháp lý trên thế giới như Cộng hòa Pháp ngoài các nguyên tắc về sự thỏa thuận trong rất nhiều điều khoản khác của của BLDS pháp cũng đưa ra rất nhiều những gợi ý về các điều khoản mà các bên có thể thỏa thuận ví dụ như điều khoản gánh chịu những khoản nợ mà về bản chất nợ này là nợ riêng của một bên vợ, chồng (Điều 1499); Điều khoản này cho phép vợ chồng có quyền quản lý khối tài sản chung cùng nhau. Trên cơ sở của điều khoản, tất cả các giao dịch liên quan đến tài sản chung phải có chữ ký của cả hai vợ chồng (Điều 1503), Điều khoản về việc bồi thường cho một bên vợ hoặc chồng sau khi chấm dứt hôn nhân (Điều 1511)... Việc điều 48 của ta quy định quá sơ sài và có quy định khác mang tính tình thế cũng là một trong những nguyên nhân dẫ đến việc chế độ tài sản này ít được áp dụng vì người dân không thể rõ mình cần phải thỏa thuận những gì và như thế thì tỉ lệ tranh chấp còn có nhiều nguy cơ hơn chế định tài sản theo pháp luật.

Ở vấn đề này tác giả cho rằng nên học tập kinh nghiệm của một số nươc trên thế giới, đặc biệt là BLDS Cộng hòa Pháp vì đây là một chế định đã xuất hiện từ lâu và được luật pháp của nước bạn xây dựng tương đối hoàn thiện. Một số quy định có thể xem xét để bổ sung như:

+ Điều khoản “tiên thủ” theo quy định tại Điều 1515 BLDS Pháp cho phép trong trường hợp một bên vợ, chồng chết thì bên còn sống có thể lấy đi trước tiên một hoặc một số tài sản chung: “Il peut être convenu, dans le contrat de mariage, que le survivant des époux, ou l'un d'eux s'il survit, sera autorisé à prélever sur la communauté, avant tout partage, soit une certaine somme, soit certains biens en nature, soit une certaine quantité d'une espèce déterminée de biens.”  “Trong hợp đồng hôn nhân có thể thỏa thuận rằng người phối ngẫu còn sống hoặc một trong số họ nếu người phối ngẫu còn sống có quyền lấy đi trước tiên một hoặc một số tài sản chung trước bất kỳ sự phân chia nào” Điều khoản về việc bồi thường cho một bên vợ hoặc chồng sau khi chấm dứt hôn nhân (Điều 1511)...  

                                                                                                  (NAT)