Thứ bảy, 20/04/2024

CÓ BẾ TẮC TRONG CÁCH GIẢI QUYẾT CÔNG TRÌNH VI PHẠM NHIỀU NĂM TẠI XÃ BẮC BÌNH?

2915
0
Công trình vi phạm đê điều tại khu vực cầu Trang

    Theo phản ánh của những người dân, Dự án xây dựng cầu Trang, thuộc xã Bắc Bình được thực hiện từ năm 1992. Trong quá trình giải phóng mặt bằng để xây dựng cầu, một số hộ dân có đất bị thu hồi đã được Nhà nước đền bù thỏa đáng. Tuy nhiên sau khi cầu được xây dựng xong và đưa vào hoạt động, đã có hiện tượng một số hộ dân lợi dụng bối cảnh cho xây dựng công trình kiên cố gồm nhà ở, công trình phụ, công trình chăn nuôi với phạm vi lấn chiếm đến hàng trăm m2. Những công trình này đã lấn chiếm kè đê, lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, làm che khuất tầm nhìn khi các phương tiện lưu thông qua cầu, qua đường. Hiện tại khu vực ngã ba, đầu cầu Trang giao cắt với Quốc lộ 2C thường xảy ra ách tắc hoặc tai nạn giao thông. Thậm chí người dân còn cho biết thêm vào năm 2012, Nhà nước đã cho xây kè đá bờ sông để giữ đất chống sói lở bờ sông, đảm bảo cho dòng chảy của sông Phó Đáy khi mưa lũ cũng như bảo vệ người dân, nhưng có hộ dân vẫn ngang nhiên xây dựng, lấn chiếm đê kè này. Việc này đã làm cản trở dòng chảy, gây ảnh hưởng đến sự bền vững của đê kè.

     Qua tìm hiểu thực tế cho thấy, tại đầu cầu Trang (phía Quốc lộ 2C), hai bên bờ sông Phó Đáy có hiện tượng công trình xây dựng lấn chiếm kè, đê. Các công trình này có tính kiên cố nhằm phục vụ cho nhà ở và chăn nuôi.

Công trình vi phạm đê điều tại khu vực cầu Trang

     Trao đổi với ông Phan Thế Đường – Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bắc Bình, phóng viên được biết: Trước đây, việc xây dựng cầu Trang do Ban quản lý phụ trách. Trong quá trình đo đạc thực tế không rõ ràng nên đã để tình trạng sau khi hoàn thành dự án, có một số hộ dân lấn chiếm kè sông. Sự việc đã tồn tại từ nhiều năm, và được Lãnh đạo xã ở các nhiệm kỳ xác định đây là vấn đề cần giải quyết, nhưng do tính chất phức tạp về mặt pháp lý nên đến nay, sự việc này vẫn không giải quyết dứt điểm được.

     Theo ý kiến ông Đào Xuân Trường - Công ty Luật TNHH Better, thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội: Căn cứ Nghị định 104/2017/NĐ-CP ngày 14/9/2017 của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều. Theo đó, tại Khoản 3, khoản 4, Điều 22: Vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 Điều 27 của Luật đê điều về mở rộng diện tích mặt bằng xây dựng khi sửa chữa cải tạo công trình, nhà ở hiện có trong phạm vi bảo vệ đê điều và ở bãi sông “Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi mở rộng trái phép mặt bằng xây dựng với diện tích trên 30 m2 khi sửa chữa, cải tạo công trình, nhà ở hiện có trong phạm vi bảo vệ đê điều và ở bãi sông”; “Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tháo dỡ phần công trình, nhà ở đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 và khoản 2, khoản 3 Điều này”.

     Ngoài ra, cũng theo Nghị định này, tại Điều 26: Thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấpxã có quyền “Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b và c khoản 3 Điều 3 Nghị định này”. Cụ thể: “Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu; Buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép; Buộc khắc phục tình trạng ô nhiễm nước trong công trình thủy lợi”.

Điểm giao cắt cầu Trang và QL 2C

     Các công trình xây dựng với diện tích vi phạm đến hàng trăm m2, tồn tại từ nhiều năm, hiện vẫn cứ nằm “chềnh ềnh” như muốn vừa thách thức pháp luật, lại vừa tạo sự bất bình và lo lắng trong nhân dân. Để người dân Bắc Bình yên tâm, tin tưởng vào sự nghiêm minh của pháp luật, rất cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng các cấp./.

Quang Tuấn