Thứ sáu, 29/03/2024

Đang trong quá trình giải quyết khiếu nại nhưng lại bị đề xuất giao dự án cho Công ty khác?

1043
0

      Bà Vũ Thị Tuyết Đại diện pháp luật của Công ty cổ phần đầu tư và cung cấp nước sạch Hoàng Kim có công văn gửi Ban bạn đọc nội dung như sau: Công ty đang thực hiện dự án cung cấp nước sạch tại xã Hải Minh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam định, Công ty đã trực tiếp làm việc, thanh toán số tiền bồi thường giải phóng mặt bằng với người dân và đã có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền bằng thông báo khấu trừ tổng số tiền mà Hoàng Kim đã thanh toán vào tiền thuê đất 50 năm trả tiền một lần. Công ty đang trong quá trình thực hiện dự án thì bất ngờ bị chấm dứt hoạt động và thu hồi dự án do dự án bị chậm 17 tháng và không ký quỹ. Công ty đã gửi đơn khiếu nại đến Sở Kế hoạch & đầu tư tỉnh Nam Định. Mặc dù đang trong quá trình xác minh nội dung khiếu nại, chưa có kết luận hoặc quyết định giải quyết khiếu nại nhưng UBND tỉnh Nam Định đã chỉ đạo UBND huyện Hải Hậu khảo sát và đề xuất giao dự án cung cấp nước sạch cho 2 chủ đầu tư khác. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trương Quốc Hoè Trưởng Văn phòng luật sư Intrela làm rõ để trả lời bạn đọc. Xin được trích nội dung cuộc trao đổi.

     Phóng viên:

     Thưa Luật sư đang trong giai đoạn giải quyết khiếu nại thì UBND có thể thay đổi hiện trạng dự án không?

     Luật sư: 

     Theo Điều 164 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền tự bảo vệ, ngăn chặn bất kỳ người nào có hành vi xâm phạm quyền của mình bằng những biện pháp không trái với quy định của pháp luật.

     Căn cứ Điều 35 Luật Khiếu nại 2011, thì trong quá trình giải quyết khiếu nại, nếu xét thấy việc thi hành quyết định hành chính bị khiếu nại sẽ gây hậu quả khó khắc phục, thì người giải quyết khiếu nại phải ra quyết định tạm đình chỉ việc thi hành quyết định đó. 

     Theo đó, Công ty hoàn toàn có thể yêu cầu người giải quyết khiếu nại áp dụng các biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn hậu quả có thể xảy ra do việc thi hành quyết định hành chính bị khiếu nại theo quy định tại điểm e, khoản 1, Điều 12 Luật Khiếu nại 2011. Khi đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư buộc phải xem xét yêu cầu của Hoàng Kim. 

     Nếu đồng ý, Sở Kế hoạch và Đầu tư phải ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp để giữ nguyên hiện trạng toàn bộ dự án để tránh làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của nhà đầu tư. 

     Trường hợp không đồng ý, thì phải ra văn bản nêu rõ quan điểm của Sở Kế hoạch và Đầu tư. 

     Chính vì vậy, Quyết định hành chính đang trong quá trình giải quyết khiếu nại, hơn nữa dự án nhà máy nước là một dự án lớn buộc phải áp dụng biện pháp ngăn chặn để tránh trường hợp việc dịch chuyển gây hậu quả nghiêm trọng khó khắc phục và chờ kết luận cuối cùng của cơ quan có thẩm quyền.

     Phóng viên:

     Vậy thưa Luật sư UBND tỉnh Nam Định có được phép giao dự án cho chủ đầu tư mới như trong đề xuất của UBND huyện Hải Hậu không?   

     Luật sư:  

     Về căn cứ giao dự án

     Như đã giải thích ở trên, Nếu Công ty Hoàng Kim đã yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp mà Sở KH&ĐT ra quyết định đồng ý thì tất nhiên, trong quá trình giải quyết khiếu nại thì UBND hay Sở Kế hoạch và Đầu tư không được thay đổi hiện trạng dự án như việc chia dự án và cho các nhà đầu tư khác vào thi công. 

     Như vậy, việc đề xuất của UBND huyện Hải Hậu hiện nay chưa có đủ căn cứ để thực hiện.

     Ngoài ra, căn cứ tại điểm b khoản 3 Điều 36 Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định về các điều kiện để nhà đầu tư được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư:

     Điều 36. Thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư

     … 

     3. Cơ quan đăng ký đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ khi dự án đáp ứng các điều kiện sau:

     b) Có địa điểm thực hiện dự án đầu tư được xác định trên cơ sở bản sao hợp lệ giấy tờ về quyền sử dụng đất hoặc bản sao hợp lệ thỏa thuận thuê địa điểm hoặc văn bản, tài liệu khác xác định quyền sử dụng địa điểm để thực hiện dự án đầu tư;

     Hơn nữa, như thông tin Công ty cổ phần đầu tư và cung cấp nước sạch Hoàng Kim cung cấp thì quyền sử dụng đất của Công ty được Nhà nước cho thuê đất trả tiền một lần. Do vậy, Hoàng Kim được toàn bộ quyền của người sử dụng đất theo Điều 166 và Điều 170 Luật Đất đai. Việc giao dự án cho Chủ đầu tư mới phải xem xét đến điều kiện có hồ sơ, giấy tờ về quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, quyền sử dụng đất đang thuộc quyền sử dụng của Công ty Hoàng Kim. Chủ đầu tư mới khi muốn thực hiện dự án thì phải được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Tuy nhiên, chủ đầu tư mới không thỏa mãn điều kiện theo quy định tại điểm b, khoản 3, Điều 36 nêu trên. Chính vì lí do đó mà các nhà đầu tư mới tham gia vào dự án sẽ không có đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận đầu tư hay nói cách khác là sẽ không đủ điều kiện thực hiện dự án. Nếu các nhà đầu tư mới vẫn cố tham gia vào dự án thì có thể sẽ đối mặt với rủi ro lớn về pháp luật.

     + Về bồi thường thiệt hại khi thu hồi dự án: 

     Theo như câu hỏi thì Công ty Hoàng Kim hiện đã tham gia dự án và đã có những công trình thi công nhất định. Những công trình thi công đó cũng phải có một khối lượng vật liệu xây dựng và chi phí nhất định. Ngoài những thiệt hại có thể nhìn thấy được bằng mắt ở hiện trạng dự án, Hoàng Kim còn thiệt hại rất nhiều về những chi phí khác như chi phí nhân công (trả lương cho nhân viên, chi phí đi lại …) 

     Vậy khi UBND tỉnh/Sở Kế hoạch và đầu tư chấm dứt hoạt động và thu hồi dự án của Hoàng Kim thì chính các cơ quan này sẽ phải thực hiện trách nhiệm bồi thường đối với các nghĩa vụ tài chính đã có của Hoàng Kim(bao gồm tiền đền bù GPMB, …), hay tổng số vốn mà Hoàng Kim đã bỏ ra để thực hiện những công việc nêu trên.

     + Về năng lực, trình độ, điều kiện để hoàn thành dự án của chủ đầu tư mới. 

     Về công suất: để được giao giấy chứng nhận đầu tư thì Hoàng Kim đã phải trải qua những bước thẩm định để đảm bảo công suất. Tuy nhiên, nếu xét đến các nhà đầu tư khác thì lại phải trải qua một giai đoạn thẩm định dự án, thẩm định nhà đầu tư và nhiều giai đoạn khác. Quan trọng nhất, cần phải xem xét yếu tố là liệu hai nhà máy mà UBND huyện Hải Hậu đề xuất thì có đáp ứng đủ công suất để cung cấp nước phục vụ người dân Hải Hậu hay không?

     Toàn bộ quá trình sẽ tốn rất nhiều thời gian, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án và gây thiệt hại cho cả người dân lẫn các chủ đầu tư liên quan. 

     Về pháp lý:

     + Như đã nói ở trên, đây là 1 dự án đã được phê duyệt Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và giao cho Hoàng Kim thì giao nhỏ dự án cho hai chủ đầu tư khác theo đề xuất của UBND huyện Hải Hậu là không phù hợp quy định của pháp luật. Chỉ có thể chia nhỏ dự án khi Hoàng Kim tự nguyện dùng chính quyền chủ đầu tư dự án, chủ sử dụng hợp pháp duy nhất về đất đai của mình để thực hiện việc tách nhỏ dự án. Như vậy, nếu hai chủ đầu tư mới vào thì rất có thể sẽ gặp vấn đề tranh chấp.

     + Đối với các nhà máy được giao thực hiện phần dự án được chia thì như đã phân tích ở trên, hoàn toàn không có quy định nào của pháp luật cho phép chủ đầu tư mới vào thực hiện dự án trên chính phần đất dự án vẫn đang thuộc quyền sử dụng hợp pháp của chủ đầu tư cũ mà chưa có sự tự nguyện hay đồng ý từ chủ đầu tư cũ. Ngoài ra cần phải xem xét rất nhiều vấn đề liên quan đến việc thực hiện thi công dự án của hai chủ đầu tư mới như nội hàm, năng lực, trình độ của các chủ đầu tư mới vào, tính pháp lý, trình tự thủ tục theo quy định để nhà đầu tư mới thực hiện được dự án là rất nhiều.

     Vì những căn cứ, lí do nêu trên, việc đề xuất 2 dự án mới cho hai chủ đầu tư mới của UBND huyện Hải Hậu là không đúng pháp luật và có thể đối mặt với rủi ro rất lớn cho cả UBND tỉnh Nam Định, cho chủ đầu tư mới và các cơ quan có liên quan.

     Phóng viên:

     Xin cảm ơn Luật sư đã dành thời gian trao đổi. 

PV