Thứ sáu, 19/04/2024

Một số quy định về việc hỏa táng, mai táng thi thể nạn nhân tử vong do Covid-19 và việc khai báo y tế trong tình hình dịch bệnh

2898
0

   Vừa qua, Luật sư Trương Quốc Hoè, Trưởng Văn phòng luật sư Interla Đoàn luật sư thành phố Hà Nội đã trả lời trực tiếp trên đài truyền hình kỹ thuật số VTC16 về một số quy định về việc hỏa táng, mai táng thi thể nạn nhân tử vong do Covid-19 và việc khai báo y tế trong tình hình dịch bệnh hiện nay. Xin trích một số câu hỏi mà Luật sư Trương Quốc Hoè trả lời trên đài truyền hình kỹ thuật số VTC16 ngày 02/3/2022, xin thông tin để bạn đọc theo dõi.

Luật sư Trương Quốc Hoè Trưởng văn phong luật sư Intrela

   Phóng viên: 

   Thưa Luật sư, pháp luật hiện nay quy định như thế nào về việc hỏa táng, mai táng thi thể nạn nhân tử vong do Covid-19? Việc thu gom, xử lý chất thải có nguy cơ chứa SARS-Cov-2 quy định như thế nào?

   Luật sư Trương Quốc Hoè:

   Đây là thắc mắc của nhiều người có người thân bị thiệt mạng do mắc Sars-Cov-2, theo quy định của pháp luật. Theo quy định tại Điều 18 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, người mắc bệnh truyền nhiễm hoặc bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A tử vong thì thi thể phải được diệt khuẩn và tổ chức mai táng trong thời hạn 24 giờ.

   Riêng với thi hài nhiễm COVID-19, Bộ Y tế hướng dẫn, thi hài nhiễm COVID-19 phải được hỏa táng, chỉ mai táng khi không thực hiện được việc hỏa táng. Đồng thời phải được khâm liệm càng sớm càng tốt và hỏa táng hoặc mai táng trong vòng 24 giờ kể từ khi tử vong.

   Quy trình xử lý thi hài được thực hiện như sau:

   Đối với trường hợp tử vong tại cơ sở khám chữa bệnh, thi hài sẽ được xử lý theo Quyết định 5188/QĐ-BYT, ngay sau khi người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm COVID-19 tử vong để hạn chế lây nhiễm trong quá trình xử lý. Quá trình khâm liệm tuân theo quy trình đặc biệt với bệnh dịch nguy hiểm. Thực hiện khâm liệm càng sớm càng tốt. Việc khâm liệm phải được thực hiện tại nhà tang lễ bệnh viện, hạn chế tối đa số người tham gia khâm liệm. Người trực tiếp tham gia khâm liệm thực hiện phòng hộ cá nhân và rửa sạch tay bằng xà phòng. Tuyệt đối không để người nhà người bệnh thăm viếng trong suốt thời gian lưu giữ cho tới khi khâm liệm xong. Đặc biệt, hạn chế người vào viếng. Những ai vào viếng phải mang khẩu trang, không đụng chạm vào quan tài và vệ sinh tay bằng dung dịch cồn sau khi viếng. Ngoài ra, phải vận chuyển thi hài thẳng tới nơi hỏa táng hoặc nơi chôn (trong trường hợp tại tỉnh/thành nơi chuyển thi hài tới không có nơi hỏa táng) theo kế hoạch đã thống nhất với Trung tâm kiểm soát bệnh tật địa phương. Chuyển thi hài bằng xe ô tô chuyên dụng thẳng tới nơi hoả táng hoặc nơi chôn. Người nhà người bệnh không được lên xe chuyển thi hài.

   Đối với trường hợp tử vong tại cộng đồng: 

   Thi hài được xử lý theo quy định tại Quyết định 2233/QĐ-BYT. Ngay sau khi có người tử vong do nhiễm Covid-19 tại cộng đồng, cần phải gọi điện thông báo chính quyền, cơ quan y tế địa phương để được tư vấn, hỗ trợ xử lý thi hài. Cần phải hạn chế người không có nhiệm vụ vào khu vực có người tử vong do nhiễm COVID-19, trừ nhân viên y tế và người tham gia xử lý thi hài. Quy trình xử lý cũng phải đảm bảo phòng chống lây nhiễm.

   Theo hướng dẫn xử lý thi hài bệnh nhân tử vong do mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virut-nCoV kèm theo Công văn số 495/BYT-MT ngày 06/02/2020 của Bộ Y tế:

   “7. Hỏa táng, mai táng thi hài nhiễm nCoV:

   7.1. Hỏa táng:

   - Cần tiến hành hỏa táng thi hài nhiễm nCoV trong thời gian sớm nhất.

   - Sau khi hỏa táng, phải tiến hành vệ sinh khử trùng nền nhà, tường, cửa phòng tiếp nhận, các dụng cụ, trang thiết bị có liên quan bằng dung dịch khử khuẩn chứa 0,5% Clo hoạt tính hoặc sử dụng các chế phẩm diệt khuẩn tương tự đã được Cục Quản lý môi trường y tế - Bộ Y tế cấp chứng nhận đăng ký lưu hành và để khô tự nhiên.

   Phương tiện bảo vệ cá nhân của người tham gia quá trình hỏa táng phải được xử lý như chất thải lây nhiễm.

   7.2. Mai táng:

   - Chọn nơi đất cao, không bị ngập úng để đào huyệt, cần tiến hành việc mai táng thi hài trong thời gian sớm nhất.

   - Trước khi đặt quan tài xuống huyệt, phải rắc hóa chất khử khuẩn chứa Clo hoạt tính hoặc phun dung dịch khử khuẩn chứa 5% CIo hoạt tính hoặc rắc một lớp vôi bột xung quanh thành huyệt và đáy huyệt.

   - Trước khi lấp đất, phải rắc hóa chất khử khuẩn chứa Clo hoạt tính hoặc phun dung dịch khử khuẩn chứa 5% Clo hoạt tính hoặc rắc một lớp vôi bột xung quanh ở xung quanh và trên mặt quan tài.

   - Các dụng cụ, thiết bị dùng để mai táng như cuốc, xẻng... sau khi sử dụng phải được khử khuẩn bằng dung dịch chứa 0,5% Clo hoạt tính, để dụng cụ ngấm hóa chất khử trùng ít nhất 30 phút và để khô tự nhiên.

   - Phương tiện bảo vệ cá nhân của người thực hiện việc mai táng phải được xử lý như chất thải lây nhiễm.”

   Đối với quần áo bảo hộ và phương tiện phòng hộ cá nhân đối với nhân viên y tế vận chuyển thi thể người tử vong do nhiễm Covid-19:

   Căn cứ Quyết định 5188/QĐ-BYT về việc ban hành hướng dẫn phòng và kiểm soát lây nhiễm Sars-cov-2 trong cơ sở khám, chữa bệnh:

   “3.2. Một số nguyên tắc cụ thể khi sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân:

   8) Phương tiện phòng hộ cá nhân chỉ dùng một lần, là chất thải lây nhiễm, sau khi tháo phải bỏ ngay vào thùng chất thải lây nhiễm (thùng màu vàng). Thùng đựng chất thải phải đủ lớn và phải có nắp đậy kín.”

   - Căn cứ Hướng dẫn quản lý chất thải và vệ sinh trong phòng, chống dịch Covid19 ban hành kèm theo Quyết định số 3455/QĐ-BCĐQG ngày 05/8/2020 của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 như sau:

   “B. Quản lý chất thải y tế:   

   1. Tại các khu vực/phòng cách ly, khám, theo dõi, chăm sóc, điều trị người mắc hoặc nghi ngờ mắc COVID-19 trong cơ sở y tế.

   a) Phân loại chất thải

   - Tất cả chất thải rắn phát sinh từ khu vực/phòng cách ly, khám, theo dõi, chăm sóc, điều trị người mắc hoặc nghi ngờ mắc COVID-19 bao gồm cả đồ vải, quần áo thải bỏ của bệnh nhân, khẩu trang, trang phục phòng hộ cá nhân của người tham gia thực hiện các công việc quản lý chất thải y tế, vệ sinh dụng cụ đựng chất thải, giặt là, vệ sinh môi trường đều được coi là chất thải lây nhiễm (sau đây gọi là chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2) và phải được phân loại ngay vào thùng màu vàng đựng chất thải lây nhiễm có nắp đậy, có lót túi, có biểu tượng cảnh báo chất thải có chứa chất gây bệnh. Bên ngoài túi, thùng có dán nhãn “CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2”.

   Như vậy: có thể thấy việc các cơ sở hỏa táng thi thể người bị tử vong do Covid-19 thu gom, xử lý các chất thải lây nhiễm bừa bãi như hình ảnh phóng sự nêu trên là hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi này cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến hệ quả làm lây lan dịch bệnh nhanh hơn, số ca nhiễm và số ca tử vong do Covid-19 ở nước ta hàng ngày đều tăng cao và không có dấu hiệu giảm. Mong rằng các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc để có biện pháp găn chặn ngay những hành vi như trên để bảo vệ quyền, lợi ích, tính mạng cũng như sức khỏe cho người dân.

   Phóng Viên: 

   Cảm ơn Luật sư đã có câu trả lời rất cụ thể, tuy nhiên xung quanh việc khai báo y tế trong tình hình dịch bệnh, có người cho rằng không quan trọng, vậy theo Luật sư, việc khai báo y tế  còn có ý nghĩa trong tình hình dịch bệnh như hiện nay không?

   Luật sư Trương Quốc Hoè:

   Trước hết, khi nhiễm Covid-19, người dân có trách nhiệm khai báo y tế (KBYT) đầy đủ, trung thực. Đây không chỉ là trách nhiệm của mỗi người mà còn đóng vai trò rất quan trọng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, góp phần bảo vệ sức khỏe, tính mạng người nhiễm, người thân và cộng đồng.

   Hiện nay, dù tình hình dịch bệnh ở nước ta đang tăng mạnh, các tỉnh thành phố đều ghi nhận số ca mắc đạt đỉnh điểm. Tuy nhiên, các tỉnh thành phố vẫn thực hiện áp dụng theo Nghị quyết 128/NĐ-CP quy định về tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Điều này chứng tỏ chúng ta đang dần thích ứng với đại dịch và để phát triển khôi phục nền kinh tế, mang lại cho người dân cuộc sống bình thường mới.

   Hiện nay, hầu hết người dân đều đã được tiêm vaccine vì vậy đa số những người mắc đều có triệu chứng nhẹ, nhanh khỏi bệnh. Tuy nhiên vẫn có những đối tượng chưa được tiêm hoặc đã được tiêm nhưng có nguy cơ tử vong cao như người già, người mắc các bệnh nền… Vì vậy, việc khai báo y tế vẫn cực kỳ quan trọng và có ý nghĩa rất lớn đối với các đối tượng này. 

   Tuy nhiên khai báo y tế hiện nay nếu không áp dụng bổ sung thêm các phương pháp mới thì sẽ không có ý nghĩa. Bởi lẽ, trước đây khi cố ca nhiễm còn ít, mục đích khai báo y tế là truy vết dịch tễ trong cộng đồng để giảm nguy cơ lây nhiễm. Nhưng hiện nay, số ca mắc quá lớn, F0 nhiều trường hợp cũng không có triệu chứng, lực lượng y tế không đủ đáp ứng để truy vết. Vậy tại sao chúng ta vẫn cần phải khai báo y tế?

   Trước tiên, đối với nhóm đối tượng chưa được tiêm đủ vaccine hoặc đã tiêm nhưng có bệnh nền nếu không được phát hiện sớm sẽ rất nguy hiểm thậm chí có nguy cơ dẫn đến tử vong. Vì vậy, gia đình, người thân, người tiếp xúc gần cần phải chủ động khai báo y tế thông qua hệ thống PC Covid … Từ các thông tin khai báo của bệnh nhân, các cơ quan chức năng sẽ cần tập trung phân loại các nhóm đối tượng nhiễm để đảm bảo tối đa sức khỏe cho người bệnh.

   Hơn nữa, việc khai báo y tế còn giúp người bệnh được hưởng các lợi ích từ Nhà nước. Theo như tình hình hiện tại Nhà nước đã cho phép các ca F0 đủ điều kiện được điều trị tại nhà. Do đó, ngoài các vấn đề liên quan đến các loại thuốc điều trị, thời gian điều trị, các chú ý khi điều trị tại nhà… thì người mắc COVID-19 cũng cần nắm rõ quyền lợi mà mình sẽ được hưởng.

   Thứ nhất: khi mắc COVID-19 người bệnh sẽ phải nghỉ việc ở nhà điều trị. Vậy trong thời gian nghỉ viêc để điều trị bệnh người bệnh có được hưởng lương hay không cũng là vấn đề nhiều bệnh nhân quan tâm.

   Theo đó, khi người bị nhiễm COVID-19 nghỉ việc để điều trị mà vẫn còn phép năm thì thời gian nghỉ việc này có thể được trừ vào ngày nghỉ phép năm. Do đó, người lao động vẫn được hưởng nguyên lương từ người sử dụng lao động.

   Theo khoản 1 Điều 113 Bộ luật Lao động 2019, người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động. Cụ thể: lao động làm việc trong điều kiện bình thường được hưởng 12 ngày làm việc; lao động chưa thành niên, khuyết tật, làm các công việc độc hại, nặng nhọc, làm nghề được hưởng 14 ngày làm việc và đối với những người làm các công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại sẽ được hưởng 16 ngày làm việc.

   Thứ hai: về vấn đề bảo hiểm chế độ ốm đau căn cứ vào điều 25 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 người bị mắc COVID-19 có xác nhận của cơ sở y tế sẽ được hưởng chế độ ốm đau. Thời gian được hưởng chế độ ốm đau như sau:

   Lao động làm việc trong điều kiện bình thường được hưởng theo các mốc: đóng BHXH dưới 15 năm hưởng 30 ngày, đóng BHXH đủ từ 15 đến dưới 30 năm hưởng 40 ngày, đóng BHXH đủ từ 30 được hưởng 60 ngày.

   Lao động làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm, nặng nhọc… được hưởng: đóng BHXH dưới 15 năm hưởng 40 ngày, đóng BHXH đủ từ 15 đến dưới 30 năm hưởng 50 ngày, đóng BHXH đủ từ 30 năm được hưởng 70 ngày.

   Theo khoản 1 Điều 28 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì trong thời gian nghỉ, người lao động sẽ được hưởng 75% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

   Thứ ba: người lao động là F0 thuộc thành viên công đoàn cũng sẽ được hỗ trợ lên tới 3 triệu đồng.

    Tại Quyết định 3749/QĐ-TLĐ, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam quy định đoàn viên, người lao động là F0 không vi phạm quy định về phòng, chống dịch được nhận hỗ trợ như sau:

   Các F0 có triệu chứng bệnh nặng, phải điều trị từ 21 ngày trở lên tại bệnh viện, cơ sở y tế theo giấy xác nhận của cơ quan y tế có thể nhận hỗ trợ tối đa 3 triệu đồng.

   F0 điều trị tại nhà từ 21 ngày trở lên hoặc điều trị tại bệnh viện, các cơ sở y tế dưới 21 ngày theo xác nhận của cơ quan y tế có thể nhận hỗ trợ tối đa 1,5 triệu đồng.

   Lưu ý, mỗi trường hợp F0 chỉ được hỗ trợ một lần dù nhiều lần dương tính.

   Thứ tư: theo Điều 29 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì khoản tiền dưỡng sức sau khi điều trị COVID-19 như sau:

   Sau khi điều trị COVID-19, trong vòng 30 ngày trở lại làm việc mà sức khỏe của người lao động vẫn chưa hồi phục thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe 05 ngày 

   Mức tiền được hưởng trong thời gian nghỉ dưỡng sức là 30% mức lương cơ sở, tức là 447.000 đồng/ngày, tổng là 2,235 triệu đồng.

   Phóng Viên: 

   Cảm ơn Luật sư đã tham gia chương trình ngày hôm nay.

Huy Tống