Thứ sáu, 29/03/2024

SWIFT CODE – MỘT CÔNG CỤ HỮU HIỆU TRONG THANH TOÁN QUỐC TẾ

5358
0

Chuyên gia: Nguyễn Anh Tuấn

               Trong thực tiễn hiện nay, khi mà toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế đang trở thành một xu thế tất yếu mà hầu hết các nước đều tham gia thì các quan hệ thương mại quốc tế giữa các tổ chức, cá nhân của quốc gia này với các thương nhân của quốc gia khác, mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ xuyên biên giới đã ngày càng trở nên phổ biến. Có thể nói trong bất cứ một giao dịch thương mại nào hầu hết các bên đều hướng về hai mục đích:

       (1) Bên mua/ bên thuê dịch vụ mong muốn mình sẽ nhận được loại hàng hóa hoặc được cung ứng đúng loại dịch vụ mà mình mong muốn; 

         (2) Bên Bán/Cung ứng dịch vụ mong muốn nhận được tiền thah toán đầy đủ và đúng hạn. Tuy nhiên nếu như đó là các giao dịch nội địa việc thanh toán sẽ diễn ra tương đối dễ dàng tuy vậy với các hoạt động thanh toán quốc tế lại không như vậy khi mà người nhận thanh toán lại có một tài khoản ngân hàng ở bất kỳ nước nào trên thế giới trong khi hệ thống tổ chức tín dụng toàn cầu lại quá đồ sộ và đa dạng. và vấn đề lúc này mà cả hai bên khi thanh toán đều đặt ra đó là làm sao thanh toán vừa nhanh, vừa bảo mật và hơn hết là đến đúng người thụ hưởng và may thay SWIFT CODE chính là công cụ hữu hiệu nhất trong thanh toán quốc tế để giải quyết những rắc rối đó. Vậy SWIFT CODE là gì?

       Trên thực tế, một cá nhân, tổ chức khi tham gia vào lĩnh vực kinh doanh hàng hóa, dịch vụ ra ngoài biên giới thì chắc hẳn cũng đôi lần tiếp cận với SWIFT và SWIFT CODE và công cụ này còn phổ biến hơn nữa đối với các doanh nghiệp thường xuyên có hoạt động kinh doanh quốc tế. Tuy nhiên ở chiều hướng ngược lại đây là những khái niệm tương đối mới mẻ với các tổ chức, cá nhân chỉ có hoạt động kinh doanh nội địa hoặc đang có mong muốn chuyển hướng, mở rộng sang các hoạt động kinh doanh quốc tế. Và có lẽ để có thể thuận lợi hơn trong cách tiếp cận về SWIFT CODE chúng ta cần phải có cái nhìn tổng quan về SWIFT trước tiên.

      1. SWIFT là gì?

Trước hết là về SWIFT đây là tên viết tắt tiếng Anh của một tổ chưc có tên là Hiệp hội viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế (Society for Worldwide Interbank and Financial Telecomunication). Đây là một tổ chức được thành lập vào năm 1973 với hơn 239 ngân hàng trên 15 nước tham gia. 

         Tính đến năm 2015, SWIFT đã liên kết với hơn 11.000 tổ chức tài chính ở hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ và con số này có thể nhiều hơn rất nhiều ở thời điểm hiện nay. Về cơ cấu tổ chức của Hiệp hội này tương đối đặc biệt khi các thành viên của SWIFT đều là các tổ chức tín dụng và các tổ chức tài chính. Mỗi tổ chức tài chính thành viên là một cổ đông của SWIFT và được cấp một mã định danh cụ thể, và SWIFT sẽ làm các dịch vụ chuyển tiền hoặc trao đổi thông tin qua lại giữa các cổ đông SWIFT với nhau. Việc chuyển tiền hoặc trao đổi thông tin giữa các ngân hàng và tổ chức tài chính thành viên được thực hiện dưới dạng các SWIFT message là các bức điện được chuẩn hóa dưới dạng các trường dữ liệu, ký hiệu để máy tính có thể nhận biết và tự động xử lý giao dịch trên nền tảng SWIFT net. Hiện nay, SWIFT cũng đang phát triển nền tảng SWIFT gpi (Global Payments Innovation) với mong muốn hỗ trợ các tổ chức tài chính hiện đang gửi và nhận tiền một cách nhanh chóng và an toàn cho bất kỳ ai, ở bất kỳ đâu trên thế giới, với sự minh bạch hoàn toàn về vị trí thanh toán tại bất kỳ thời điểm nào. Về bản chất và phương châm châm hoạt động của SWIFT, tổ chức này vốn được lập ra để hỗ trợ và phục vụ các hoạt động ngân hàng thay vì kinh doanh tìm kiếm lợi nhuận. Thế nhưng trên thực tế các hoạt động kinh doanh của của SWIFT cũng có thể mang lại doanh thu rất lớn mặc dù giá dịch vụ trung bình chỉ 0.25 USD/ SWIFT message thế nhưng với khoảng một nửa trong số tất cả các khoản thanh toán xuyên biên giới có giá trị cao trên toàn thế giới đã sử dụng mạng SWIFT chưa kể đến các khoản thanh toán khác và lưu lượng khách chuyển tiền khổng lồ trên toàn cầu trên một ngày thì doanh thu cũng không hề nhỏ. Ngoài ra. SWIFT cung cấp các dịch vụ truyền thông an ninh và phầnmềm giao diện cho các ngân hàng và tổ chức tài chính           

      2. SWIFT CODE – Công cụ hữu hiệu trong thanh toán quốc tế 

      Tiếp theo là về SWIFT CODE. Về cơ bản SWIFT CODE là một mã định danh dành cho từng ngân hàng để có thể tiến hành giao dịch trên thị trường liên ngân hàng. Trong thực tiễn giao dịch thanh toán hiện nay đối với các giao dịch nội địa ít khi người ta dùng SWIFT CODE, tuy nhiên trong thanh toán quốc tế đây là vấn đề rất quan trọng để xác định được đúng đối tượng, phòng tránh nguy cơ nhầm lẫn khi giao dịch, thanh toán.

     Về mặt cấu trúc, một mã SWIFT CODE được cấu tạo bởi 8 hoặc 11 ký tự với mỗi nhóm ký tự đều có những ý nghĩa riêng về Tên ngân hàng, tên quốc gia và mã chi nhánh. Ngoài tên gọi là SWIFT CODE trong một số trường hợp mã này còn được gọi là BIC (Business Identifier Codes). 

     Cấu trúc của một SWIFT CODE thường theo dạng: AAAA BB CC DDD ý nghĩa của đoạn mã này như sau:

    - AAAA: là ký tự viết tắt bằng tiếng Anh của tên ngân hàng, 4 ký tự này chỉ cho phép sử dụng các ký tự bằng chữ từ A đến Z và không được sử dụng ký tự số. Đây là nhóm ký tự định danh Ngân hàng, tổ chức tài chính. 

    - BB: đây là tên viết tắt tiếng Anh của quốc gia mà Ngân hàng, Tổ chức tín dụng có trụ sở. Các ký tự viết tắt này được sử dụng theo chuẩn ISO 3166-1 alpha -2. Đây là nhóm ký tự định danh và nhận diện quốc gia.

    - CC: là nhóm ký tự định danh địa phương. Ở nhóm này có thể sử dụng được cả ký tự số và ký tự chữ.

    - DDD: đây là mã định danh chi nhánh Ngân hàng. Ở nhóm này có thể sử dụng cả ký tự chữ và ký tự số.

    Ví dụ: Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - Bank for Investment and Development of Vietnam) có mã SWIFT CODE là: BIDVVNVX xét về mặt cấu trúc chúng ta có thể phân tích mã SWIFT CODE này như sau:

    - BIDV là 4 ký tự thuộc nhóm ký tự định danh của ngân hàng, tổ chức tài chính trong đó BIDV chính là tên viết tắt tiếng Anh của Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam.

    - VN là 2 ký tự thuộc nhóm ký tự định danh và nhận diện quốc gia được sử dụng theo chuẩn ISO 3166-1 alpha -2. Ký tự VN ở đây có nghĩa là Việt Nam.  

 - VX là nhóm ký tự định danh địa phương. Ở nhóm này có thể sử dụng được cả ký tự số và ký tự chữ. Ký tự VX này ám chỉ đây là Hội sở chính của Ngân hàng, tổ chức tài chính.

    Như vậy thông qua phân tích thì BIDVVNVX chính là mã định danh của ngân hàng thương mại và ngân hàng này chính là Hội sở chính của Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam.

    Trong thực tế, khi nói về lịch sử các công cụ truyền tin và thanh toán của ngân hàng trước khi xuất hiện SWIFT đã có dạng thư tín và telex. Tuy nhiên về lâu dài các công cụ này đã bộc lộ rất nhiều những điểm hạn chế và không hiệu quả trong thanh toán quốc tế nên cũng không quá phổ biển. Thư tín là phương tiện truyền tin từ khi mới hình thành nghiệp vụ thanh toán quốc tế. Đến nay, phương tiện này vẫn còn đang được sử dụng nhưng không phổ biến bởi tính hiệu quả không cao, không nhanh chóng và chịu các rủi ro bảo mật,..

    Đối với Telex, đây là một loại công cụ có tính công cộng nên bản thân nó không an toàn, không thể đảm bảo được vấn đề bảo mật trong các thanh toán quốc tế nhất là những khoản thanh toán có giá trị lớn và telex cũng chưa có một chuẩn chung cho các giao dịch thanh toán quốc tế. Hiện nay các ngân hàng ít sử dụng phương tiện này trong thanh toán quốc tế mà chỉ sử dụng như một phương tiện thay thế trong trường hợp trục trặc về đường truyền. Thế nhưng với sự ra đời của SWIFT và SWIFT CODE các nhược điểm của các phường pháp trước đây gần như được khắc phục một cách triệt để. Ngày nay đối với các giao dịch chuyển tiền quốc tế hay kể cả là các giao dịch chyển tiển nội địa thì chuyển tiền qua SWIFT luôn được ưa chuộng vì các lợi ích mà nó đem lại như:

    + Tốc độ xử lý giao dịch cao: Như đã đề cập xuyên suốt trong bài viết này mã SWIFT CODE là một mã định danh độc quyền của từng ngân hàng do vậy sẽ không có sự nhầm lẫn nào khi ngân hàng sử dụng SWIFT CODE. Vì vậy với vai trò mã nhận diện ngân hàng sẽ giúp cho việc phân loại và xử lý giao dịch sẽ nhanh hơn.

    + Tính bảo mật tốt: do tính chất của SWIFT là điều khiển dòng tiền cho nên tính bảo mật của SWIFT rất cao và đương nhiên các mã SWIFT CODE sẽ được xây dựng theo hướng có tính bảo mật tương đối cao. Hơn nữa mạng SWIFT net chỉ là mạng nội bộ được xây dựng trong nội khối ngân hàng với nhau nên cũng có tính an toàn nhất định.

    + Thống nhất được các ký hiệu: các ngân hàng đều hợp tác với hệ thống Swift nên có sự nhất quán, mã Swift code cũng được chuẩn hóa. Từ đó, hệ thống liên ngân hàng từ trong ra ngoài nước được hình thành nhằm hướng tới lợi ích và phục vụ khách hàng một cách tốt nhất.             N.A.T