Thứ năm, 25/04/2024

TÀI SẢN BỊ XÂM PHẠM TRÁI PHÁP LUẬT

3639
0

TÀI SẢN BỊ XÂM PHẠM TRÁI PHÁP LUẬT

Ảnh minh hoạ

Ông Nguyễn văn H. ở Hạ Long, Quảng Ninh vừa gửi đến Ban Bạn đọc hỏi liên quan đến việc thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ cho Hợp đồng tín dụng với Ngân hàng. Ban Bạn đọc đã gửi câu hỏi đến Luật gia Nguyễn Thị Quỳnh Thơ (Hội Luật Gia thành phố Hà Nội) trả lời Ông Nguyễn văn H. Xin trích đăng nội dung câu hỏi vả trả lời để bạn đọc tham khảo 
Ông Nguyễn văn H: 
Tôi có ký Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ cho Hợp đồng tín dụng với Ngân hàng. Hiện vẫn đang trong thời gian tôi thực hiện nghĩa vụ trả nợ nhưng phía Ngân hàng đã ra thông báo xử lý tài sản bảo đảm, hơn nữa còn ký hợp đồng dịch vụ với Công ty bán đấu giá và đã bán đấu giá thành tài sản của tôi. Sau đó phía Ngân hàng có gửi thông báo yêu cầu tôi di chuyển đi nếu không sẽ thực hiện việc cưỡng chế thu hồi. Trong thời gian này, một nhóm người lạ đến cạy cửa, tự ý vào nhà tôi để đập phá, di chuyển đồ đạc trong nhà đi, mặc dù tôi đã ra sức ngăn cản nhưng bọn họ vẫn thực hiện việc di chuyển và phá hoại tài sản của tôi. Thưa Luật sư, Ngân hàng có thẩm quyền xử lý tài sản của tôi hay không? Tôi nghi ngờ nhóm người nêu trên là do phía Ngân hàng chỉ định, vậy với những hành vi như tôi đã trình bày thì nhóm người này đã vi phạm tội gì? Và bị xử lý như thế nào?
Luật gia Nguyễn Thị Quỳnh Thơ Về câu hỏi của Ông, chúng tôi xin tư vấn như sau:
Thứ nhất: trường hợp Ngân hàng ký hợp đồng dịch vụ với Công ty bán đấu giá tài sản và đã bán đấu giá tài sản thành tài sản bảo đảm, sau đó tiến hành thu giữ tài sản để bàn giao cho người thứ ba thì cần xem xét các quy định về Người có tài sản đấu giá đối với tài sản thế chấp, cụ thể:
Căn cứ theo quy định tại Khoản 5, Điều 5 Luật đấu giá tài sản năm 2016 định nghĩa về người có tài sản đấu giá và Khoản 1 Điều 33 Luật đấu giá về người có quyền ký hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản, cụ thể như sau:
"5. Người có tài sản đấu giá là cá nhân, tổ chức sở hữu tài sản, người được chủ sở hữu tài sản ủy quyền bán đấu giá tài sản hoặc người có quyền đưa tài sản ra đấu giá theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.
Điều 33. Hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản
1. Người có tài sản đấu giá ký kết hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản với tổ chức đấu giá tài sản để thực hiện việc đấu giá tài sản. Hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản phải được lập thành văn bản, được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định của Luật này.”
Theo đó ở sự việc này Ngân hàng nếu là người có tài sản thì sẽ được hiểu theo hai trường hợp như sau: 
- Trường hợp một: Ngân hàng là tổ chức nhận đại diện theo ủy quyền để bán đấu giá tài sản 
Việc đại diện theo ủy quyền phải đảm bảo các quy định theo Bộ luật dân sự năm 2015:
“Điều 562. Hợp đồng ủy quyền
Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”
Do đó, Ngân hàng sẽ có thẩm quyền ký hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản nếu được nhận ủy quyền từ phía người có tài sản là bạn. Tuy nhiên, nếu Ngân hàng không nhận được sự ủy quyền của bạn để định đoạt đối với tài sản thế chấp mà vẫn thực hiện việc bán đấu giá tài sản thì cần xem xét đến trường hợp hai.
- Trường hợp hai: Ngân hàng là tổ chức có quyền đưa tài sản ra đấu giá theo thỏa thuận giữa các bên theo đúng quy định của pháp luật.
Về việc xử lý tài sản thế chấp, Bộ Luật dân sự 2015 có quy định các phương thức xử lý tài sản thế chấp như sau:
“Điều 303. Phương thức xử lý tài sản cầm cố, thế chấp
1. Bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm có quyền thỏa thuận một trong các phương thức xử lý tài sản cầm cố, thế chấp sau đây:
a) Bán đấu giá tài sản;
b) Bên nhận bảo đảm tự bán tài sản;
c) Bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm;
d) Phương thức khác.”
Căn cứ vào quy định trên, việc ngân hàng có được quyền bán đấu giá tài sản thế chấp hay không phụ việc vào việc trên hợp đồng thế chấp các bên có thỏa thuận được về việc phương thức xử lý tài sản thế chấp đó là Ngân hàng bán đấu giá tài sản. Bạn lúc đầu đồng ý, sau đó không đồng ý hoặc không đồng ý về một số vấn đề, thì ngân hàng cũng không xử lý được tài sản. Trường hợp này được coi là có tranh chấp và Ngân hàng phải nộp đơn khởi kiện lên Tòa án để có bản án, quyết định của Tòa án, sau đó đề nghị Cơ quan thi hành án dân sự xử lý tài sản thế chấp.
Về quyền thu giữ tài sản bảo đảm của Ngân hàng, căn cứ Điều 7 Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng có hiệu lực vào ngày 15/08/2017 quy định thì:
“Trường hợp bên bảo đảm, bên giữ tài sản không giao tài sản bảo đảm cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu để xử lý thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được thu giữ tài sản bảo đảm theo quy định tại Điều này”.
Với quy định nêu trên, Ngân hàng được thu giữ tài sản bảo đảm, tuy nhiên khi bên thế chấp không đồng ý với việc thu giữ xử lý tài sản thì Ngân hàng có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp chứ không được phép tự ý giải quyết tranh chấp và thực hiện việc thu giữ cũng như bán tài sản.
Do đó, nếu trong Hợp đồng thế chấp các bên có thỏa thuận rõ về việc phương thức xử lý tài sản thế chấp đó là Ngân hàng bán đấu giá tài sản thì Ngân hàng sẽ có thẩm quyền định đoạt đối với tài sản bảo đảm. Bởi đây được coi là hình thức người có tài sản ủy quyền cho Ngân hàng thực hiện việc bán tài sản thế chấp khi bên thế chấp không thể thực hiện nghĩa vụ trả nợ.
Tuy nhiên, nếu trong Hợp đồng thế chấp các bên không thỏa thuận được về phương thức xử lý tài sản thế chấp đó là Ngân hàng bán đấu giá tài sản thì phía Ngân hàng không có thẩm quyền định đoạt đối với tài sản của chủ sở hữu là người thế chấp. Nếu Ngân hàng có hành động chỉ đạo người đến cạy cửa, tự ý vào nhà để đập phá, di chuyển đồ đạc, tài sản của bạn là hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác và có thể bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật. 
Theo Điều 192 Bộ Luật dân sự 2015 về quyền định đoạt thì: “Quyền định đoạt là quyền chuyển giao quyền sở hữu tài sản, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng hoặc tiêu hủy tài sản.” do đó, nhân viên Ngân hàng trực tiếp thực hiện hoặc ra quyết định định đoạt đối với tài sản của bạn mà chưa được sự ủy quyền hay đồng thuận từ phía của bạn thì đều là vi phạm pháp luật khi cố tình bán tài sản mà không nhận ủy quyền hay là chủ sở hữu của tài sản đó.
Thứ hai: hành vi cạy cửa, tự ý vào nhà để đập phá, di chuyển đồ đạc, tài sản nhà bạn của nhóm người kia, tùy mức độ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác. Cụ thể:
1. Hành vi của nhóm người có thể sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 15 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12 /11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình. Theo đó, người nào có hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác thì sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
2. Theo quy định tại Điều 178 của Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung 2017 thì Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; 
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 178, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm (phạm tội có tổ chức; Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; Dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác; Để che giấu tội phạm khác; Vì lý do công vụ của người bị hại; Tái phạm nguy hiểm.).
Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 178 (Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng) thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm 
Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 178 (Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên) thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm 
Ngoài ra, Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
3. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm chỗ ở của người khác theo quy định tại Điều 158 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm (Khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác; Đuổi trái pháp luật người khác ra khỏi chỗ ở của họ; Chiếm giữ chỗ ở hoặc cản trở trái pháp luật người đang ở hoặc người đang quản lý hợp pháp vào chỗ ở của họ; Xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác). Phạt tù từ 01 năm đến 05 năm, nếu có hành vi: Có tổ chức; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Phạm tội 02 lần trở lên; Làm người bị xâm phạm chỗ ở tự sát; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội).
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Nếu xác định có dấu hiệu của tội phạm trong các tội ở trên thì bạn có thể tố cáo tới cơ quan có thẩm quyền để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.   (CB)