Thứ năm, 28/03/2024

Thời điểm dịch bệnh cần thiết ưu tiên thanh toán không tiếp xúc

3014
0

 

Ảnh minh hoạ

Nguyễn Thị Quỳnh Thơ

Covid-19 đã thay đổi cuộc sống của con người ở nhiều khía cạnh, thể hiện rõ nét qua cách mua sắm, tiêu dùng. Một số chủ cửa hàng thực phẩm cho biết, trước đây khách ghé qua cửa hàng sau giờ làm khá đông và hầu hết thanh toán tiền mặt nên thu ngân có phần quá tải. Tuy nhiên, do tác động của dịch Covid-19, khách hàng chuyển hướng sang thanh toán không tiền mặt nhiều hơn, vừa đảm bảo an toàn tiếp xúc lại giúp tiết kiệm thời gian cho cả người bán lẫn người mua. Cũng theo một khảo sát công bố hồi đầu năm, thanh toán qua mã QR tăng nhanh trong đại dịch, đặc biệt trong các giao dịch hàng ngày như thanh toán hóa đơn (71%), mua sắm trong lĩnh vực bán lẻ (58%) và tại siêu thị (57%). Mọi người lựa chọn thanh toán QR chủ yếu nhờ sự an toàn và thuận tiện. Từ đó cho thấy, người dân đang dần chuyển hướng giao dịch, mua bán qua tài khoản, không sử dụng tiền mặt. Do vậy, qua bài viết này chúng tôi sẽ phân tích một số nội dung về những tiện ích khi thanh toán không dùng tiền mặt và đề xuất về nội dung xây dựng lộ trình cho các lựa chọn thanh toán.

1. Thanh toán không dùng tiền mặt và những tiện ích

Thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) là hình thức thanh toán thông qua các phương tiện khác không phải tiền mặt như tài sản, chứng chỉ có giá trị tương đương. Nghĩa là người tiêu dùng có thể sử dụng các giấy tờ có giá, tài sản hữu hình (không phải vàng, bạc) hoặc sử dụng công cụ để thanh toán, nhưng chủ yếu thông qua các tổ chức tín dụng thay vì người tiêu dùng và người bán trực tiếp trao đổi với nhau hiện nay.

Bản chất của hình thức này chính là hạn chế lượng tiền mặt lưu thông trong nền kinh tế, giảm thiểu chi phí xã hội. Hoạt động này sẽ trực tiếp làm giảm số lượng tiền mặt đang được lưu hành trên thị trường hàng hóa bằng cách khuyến khích từng người tiêu dùng TTKDTM. Họ có thể sử dụng các dịch vụ thu chi, thẻ ngân hàng, thanh toán trực tuyến mà không làm thay đổi giá trị tiền mặt tương đương. Có sự xuất hiện của tiền mặt hay không chính là sự khác biệt lớn nhất giữa hai hình thức thanh toán bằng tiền mặt và không dùng tiền mặt.

Hoạt động này sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia: người tiêu dùng, người bán hàng, tổ chức tín dụng (chủ yếu là ngân hàng) và tổng thể nền kinh tế. Một khi người tiêu dùng thấy được lợi ích và duy trì thường xuyên thói quen thanh toán này, chắc chắn cả nền kinh tế vĩ mô cũng sẽ được hưởng lợi theo. Cụ thể, lợi ích của thanh toán không dùng tiền mặt như: Nhanh chóng thanh toán cho các giao dịch có giá trị lớn, các giao dịch ở xa. An toàn vì tránh được các rủi ro mang tiền mặt như mất cắp; an toàn vì tránh được các rủi ro vật lý như rách, mất góc không thể sử dụng; Chính xác số tiền cần thanh toán, nhất là khi phải trả các khoản lớn, số lẻ; Người tiêu dùng có thể nhận nhiều khuyến mãi từ người bán cũng như ngân hàng hơn. Bạn sẽ thường xuyên được giảm giá khi thanh toán bằng thẻ ngân hàng, các chương trình khuyến mãi sẽ được người bán liên tục “tung” ra thị trường để khuyến khích tiêu dùng. Cùng với đó là giảm chi phí in ấn tiền, vận chuyển và kiểm đếm hay bảo quản tiền; giảm lạm phát khi lượng tiền mặt lưu thông giảm…

2. Xây dựng lộ trình cho các lựa chọn thanh toán

Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước là cơ quan chịu trách nhiệm giám sát các thanh toán bằng tiền mặt hoặc kỹ thuật số; thanh toán dựa trên các công nghệ như băng thông rộng và di động. Khung pháp lý hiện hành cho hoạt động thanh toán ít bị phân mảnh hơn so với các quốc gia khác trên thế giới. Tuy nhiên, để gia tăng hiệu quả quản lý, Ngân hàng Nhà nước nên xây dựng một lộ trình chung cho các thanh toán bằng tiền mặt và thanh toán số phù hợp với nhu cầu thanh toán của xã hội.

Lộ trình chung cho hoạt động thanh toán cần bao gồm các nội dung: Thúc đẩy hiệu quả và giảm chi phí cho các hoạt động thanh toán; Cơ sở hạ tầng cho thanh toán như tốc độ kết nối và độ phủ di động; Đảm bảo người dân đều được tiếp cận, không ai bị “loại trừ kỹ thuật số.” Ngân hàng Nhà nước cũng cần nghiên cứu và xác định các trở ngại có thể ảnh hưởng đến các lựa chọn thanh toán ngang hàng với chi phí thấp và nhanh chóng, đặc biệt là các tùy chọn được cung cấp bởi ứng dụng di động mà dự báo có thể xuất hiện tại Việt Nam.  

Hơn nữa, cần tập trung vào hoàn thiện khung pháp lý đối với việc thanh toán điện tử nói chung 

Xu hướng phát triển cùng với những lợi ích mang lại của thanh toán điện tử đòi hỏi có một khuôn khổ pháp lý rõ ràng, cụ thể, chặt chẽ để thể chế hoá chủ trương được Chính phủ đặt ra. Một văn bản pháp lý đủ sức mạnh sẽ tạo nền tảng thúc đẩy loại hình dịch vụ này, vừa kiểm soát chặt chẽ các đơn vị cung cấp dịch vụ, ngăn ngừa cạnh tranh không lành mạnh; vừa phòng ngừa tính rủi ro của một phương thức mới trong loại hoạt động có tính nhạy cảm cao là lưu thông tiền tệ.

Ví dụ: Khi xây dựng khung pháp lý liên quan đến thanh toán di động nói chung, nhà quản lý chính sách có thể tập trung vào các nội dung chính về tính pháp lý được Tổ chức Hiệp hội Thông tin Di động Thế giới (GSMA) đưa ra liên quan đến các vấn đề: Định danh khách hàng, phân loại khách hàng, phát triển mạng lưới đại lý giao dịch tại quầy, tính minh bạch, phát triển công nghệ và cơ sở hạ tầng.

Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay, công nghệ thông tin phát triển như vũ bão, hàng loạt các ngành, các loại hình kinh doanh cùng với các hình thức thanh toán giao dịch mới ra đời. Đã và đang xuất hiện nhiều hình thức thanh toán mới, tồn tại bên cạnh các hình thức thanh toán truyền thống. Đây là hình thức thanh toán ứng dụng khoa học công nghệ vào trong lĩnh vực tiền tệ, các khách hàng có thể thực hiện giao dịch thanh toán tài chính thông qua mạng viễn thông mà không cần phải thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt. Vì vậy, hình thức thanh toán này tác động nhiều mặt đến nền kinh tế, xã hội: Giúp quá trình thanh toán dễ dàng, đơn giản và an toàn hơn là thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt; Giúp người dân nghèo ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa tiếp cận các dịch vụ trên nền tảng internet như y tế, giáo dục, tài chính, việc làm và an sinh xã hội; Tạo nên nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh tế số; Góp phần tăng trưởng kinh tế.

Song, việc nghiên cứu về các hình thức thanh toán điện tử nói chung trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 là một vấn đề lớn và lâu dài, cần nghiên cứu cụ thể hơn. Bài viết gợi mở cho các nghiên cứu sau nhằm đi sâu hơn vào các hình thức giao dịch thanh toán mới.