Thứ năm, 25/04/2024

Vấn đề xử lý vi phạm vượt đèn vàng khi tham gia giao thông

18778
0

VỀ VẤN ĐỀ XỬ LÝ VI PHẠM VƯỢT ĐÈN VÀNG KHI THAM GIA GIAO THÔNG. Nghị định 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Giao thông đường bộ, đường sắt thay thế Nghị định 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 và Nghị định 107/2014/NĐ-CP ngày17/11/2014 sửa đổi một số điều của Nghị định 171/2013/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/8/2016. Ngay sau khi Nghị định 46/NĐ-CP có hiệu lực, đông đảo các Cơ quan, Đoàn thể, Người dân tham gia giao thông đồng tình hưởng ứng.

Tuy nhiên, qua thời gian thực hiện rất nhiều Người băn khoăn và có quan điểm chưa thống nhất về mức phạt đối với hành vi vi phạm "không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông" áp dụng tại điều 5, khoản 5, điểm a; điều 6, khoản 4, điểm c; điều 7, khoản 4 điểm g. Hành vi này được hiểu là Người tham gia giao thông điều khiển phương tiện vượt qua vạch dừng khi tín hiệu đỏ và vàng (trong trạng thái không nhấp nháy) đã bật. Theo điều 10, khoản 3 Luật Giao thông đường bộ thì: tín hiệu giao thông có 3 màu, quy định như sau:
- a) Tín hiệu xanh là được đi; 
- b) Tín hiệu đỏ là cấm đi; 
- c) Tín hiệu vàng phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp; trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường. 
Theo Luật sư Trương Quốc Hoè Trưởng Văn phòng Luật sư Interla Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội thì: “tín hiệu đèn vàng báo hiệu chuyển tiếp giữa đèn xanh và đèn đỏ để Người tham gia giao thông biết phải giảm tốc độ và dừng lại trước vạch dừng nhường đường cho hướng khác”. 
Thực tế khi chiều đường có tín hiệu đèn màu xanh chuyển sang màu vàng thì chiều cắt ngang vẫn đang là tín hiệu đèn đỏ, các phương tiện ở chiều đường này vẫn đang ở trạng thái dừng chờ và chuẩn bị đi. Khi đèn màu vàng chuyển sang đỏ thì chiều đường cắt là màu xanh. Do đó, mức độ nguy hiểm đối với chiều cắt của tín hiệu vàng và đỏ khác nhau. Luật Giao thông đường bộ quy định hiệu lệnh của tín hiệu vàng và đỏ có tình huống giống nhau, nhưng có tình huống cụ thể khác nhau. Vẫn biết, hành vi vi phạm đèn tín hiệu giao thông đều nguy hiểm, nó đe doạ Trật tự an toàn giao thông và bị nghiêm cấm, việc xử phạt cả hai hành vi này là cần thiết, vừa mang tính răn đe, cảnh báo, vừa tuyên truyền giáo dục chứ không chỉ nhằm mục đích thu tiền của Người vi phạm, nhưng để mức phạt cho hai hành vi này bằng nhau là chưa hợp lý. 
Nên chăng có thể sửa chế tài mức phạt cho hai hành vi vi phạm này khác nhau hoặc bỏ bớt đèn vàng tại các ngã 3, ngã 4, ngã 5... Khi chuẩn bị đổi chiều đang lưu thông dừng lại nhường đường cho hướng khác thì cho tín hiệu xanh nhấp nháy, lúc đó trên cột đèn tín hiệu chỉ còn hai màu xanh và đỏ để Người tham gia giao thông dễ thực hiện. 
Công Bình (CB)