Thứ năm, 02/05/2024

CHIẾN DỊCH ĐIỆN BIÊN PHỦ - NHỚ LẠI & SUY NGHĨ

2793
0

CHIẾN DỊCH ĐIỆN BIÊN PHỦ - NHỚ LẠI & SUY NGHĨ

Đại tá NGUYỄN QUÝ (Nguyên Cục trưởng Cục kỹ thuật Bộ Tư lệnh Công binh)

 

Bài thứ Hai: CHIẾN TRANH ÁC LIỆT! KHÔNG CÓ CHỖ CHO KẺ HÈN NHÁT

Thưa các đồng chí và các bạn!

Sau khi chia sẻ bài 1 tôi rất xúc động được mọi người quan tâm động viên và muốn tôi kể tiếp.

Trong Hồi ức NQ tôi đã nói: phải trân trọng tính trung thực, tôi sẽ nói cả cái hay và cái dở, cả thành công và thất bại, không thổi phồng bóp méo, không né tránh sự thật.

Vì thế những truyện tôi chia sẻ sau đây đều là... SỰ THẬT! Rất mong các bạn thông cảm.

CHUYỆN NÀY CHƯA AI KỂ

Khi hành quân đi chiến dịch, tiểu đoàn 9 có đàn bò 15 con, tiểu đoàn chủ trương cho đàn bò cùng đi, và cứ sau 5 ngày thì cho mỗi đại đội 1 con “thịt” bồi dưỡng “ăn tươi”. Tiểu đội phó Mai Văn Hải và 2 chiến sĩ được cử chỉ đạo.

Hơn 400km đường rừng núi, lên dốc, xuống đèo, qua sông, qua suối, phải đi ban ngày, khi nắng, khi mưa, có lần máy bay địch, bắn phá dọc đường, đàn bò chạy tán loạn. Thế mà anh Hải cùng 2 chiến sĩ vẫn chăn dắt đi đến nơi, về đến chốn, góp phần bồi dưỡng nuôi quân khỏe để đánh thắng. Tổng kết đợt hành quân, anh Hải được bầu là Chiến sĩ thi đua số 1, một chiến công thầm lặng, đặc biệt rất đáng trân trọng

CÙNG CHIẾN ĐẤU VỚI CHIẾN SĨ CỦA MÌNH

Từ 1 thanh niên bình thường huấn luyện trở thành người chiến sĩ có bản lĩnh chính trị kiên định vững vàng, có sức khỏe bền bỉ, dẻo dai, có kỹ chiến thuật thành thục, sáng tạo, là cả 1 quá trình huấn luyện và phấn đấu lâu dài, gian khổ phải trả bằng biết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt và cả xương máu nữa. Để rút kinh nghiệm cho công tác giáo dục chính trị và huấn luyện quân sự sát với thực tiễn chiến đấu, khi bổ sung quân cho các đơn vị, Tiểu đoàn 9-Đắc Tô cử cán bộ đi cùng: cùng ăn, cùng ở, cùng chiến đấu với chiến sĩ của mình.

Sau khi bàn giao 2 đại đội cuối cùng cho đại đoàn 312, tôi cũng ở lại cùng chiến đấu với anh em. Lính cũ, lính mới, những đồng đội cùng đứng chung 1 chiến hào, rồi đây sống chết có nhau nên rất chóng thân quen. Trao đổi kinh nghiệm chiến đấu, chuyện quê hương, chuyện gia đình, rồi cả chuyện tiếu lâm xưa và nay. Thôi thì đủ cả, rôm rả, chuyện của lính tráng mà!  Gian nan, vất vả và cả thương vong lúc này là đào chiến hào tiếp cận địch. Chúng bắn phá ngăn chặn, cho máy húc ra san ủi lấp lại. Mặc kệ mày. quân ta cứ âm thầm, lầm lũi lấn tới, lấn tới.

Theo sự phân công, tôi may mắn xuống theo rõi các chiến sĩ mới bổ sung cho đại đội chủ công của tiểu đoàn 428, đại đoàn 312.

HIM LAM - TRẬN QUYẾT CHIẾN NHỚ ĐỜI

Him Lam (Béatrice) có 3 cứ điểm trên 3 quả đồi, là công trình phòng ngự kiên cố, là trung tâm đề kháng mạnh nhất của tập đoàn cứ điểm Điện Biên phủ, địch cho là bất khả xâm phạm. Trước ngày nổ súng, ta bắt được 1 tên trung úy. Hắn cũng “khuyên” ta không nên đánh Him Lam vì sẽ bị thương vong rất lớn và sẽ thất bại. Tiểu đoàn 428 có nhiệm vụ đánh tiêu diệt cứ điểm số 2.

15h ngày 13/3/1954 chúng tôi đã ra đến trận địa xuất phát xung phong. 17h05’, Giờ G- Lệnh tấn công! Các loại pháo của ta trút bão lửa khủng khiếp xuống Him Lam. Vừa dứt tiếng pháo, khói còn dầy đặc, bộ binh chúng tôi đã xông lên - Xung phong! - Xung phong! Sau ít phút choáng váng, địch vùng vẫy đánh trả quyết liệt. Lợi thế của địch ở trên cao, trong công sự bắn xuống, nhưng chúng tôi vẫn ào ạt xông lên. Bỗng một luồng đạn đại liên từ lỗ châu mai của công sự tiền duyên bắn xối xả, lia sát sàn sạt quật ngã anh em chúng tôi, ghìm chúng tôi không làm sao tiến lên được -Phải diệt thằng đại liên lợi hại này. Hô anh em bắn yểm trợ, tiểu đội trưởng Phan Đình Giót ném quả lựu đạn cuối cùng rồi vùng chạy lên. Anh bị thương rồi, loạng choạng, nhưng anh vẫn chạy tới và ập cả thân mình vào cái lỗ châu mai quái ác. - Chúng tôi đã hiểu.- Xung phong! Đoàn quân chúng tôi chồm lên, xông tới, bắn liên hồi, lưỡi lê tuốt trần đâm tới tấp như trút căm hờn xuống đầu giặc, trả thù cho anh Giót và các đồng đội đã ngã xuống trong trận chiến sinh tử đêm hôm nay.

Khoảng 22h30, ta đã tiêu diệt xong cứ điểm số 2 và 1 giờ sau, 23h30 ngày 13-3-1954, những lá cờ Quyết Chiến Quyết Thắng đã ngạo nghễ tung bay trên toàn bộ các cứ điểm của Béatrice - Him Lam.  Quân ta toàn thắng! 

Hai ngày sau, chúng tôi được thông báo: 300 tên địch bị tiêu diệt, 200 tên bị bắt. Ta đã thu được toàn bộ vũ khí, trang bị. Không ai nói, nhưng chúng tôi cũng biết: Bên ta 120 đồng chí đã hy sinh và 200 đồng chí bị thương, Quả thật, 2 ngày sau, tôi ăn thì ăn thôi, nhưng đầu cứ vẩn vơ nghĩ đâu đâu, vì mới hôm qua thôi, chúng tôi còn ăn có nhau, chuyện trò vui vẻ có nhau, mà nay thì…

Về trận Him Lam, trận mở màn chiến dịch Điện Biên, sách báo đã nói, đã viết rất nhiều. Hầu hết các bài đã viết đúng, ca ngợi chiến thắng và những tấm gương dũng cảm quên mình của các anh hùng, liệt sĩ. Nhưng không phải là không có những bài tỏ ý “nghi ngờ, đặt dấu hỏi” cho là ta cố ý tô hồng, không có cơ sở khoa học, trong đó có cả chuyện “Lấy thân mình lấp lỗ châu mai”.

Từ thực tế chiến đấu, tôi hồi tưởng và suy nghĩ: - Hành động “Lấy thân mình lấp lỗ châu mai, bịt họng súng đại liên” tạo thời cơ cho đồng đội xông lên tiêu diệt địch của liệt sĩ anh hùng Phan Đình Giót như ánh sao vàng sáng chói tô thắm thêm truyền thống cao đẹp của Quân đội ta.

Từ xưa tới nay, không có ai nói trước là “Tôi lên lấp lỗ châu mai đây” mà vẫn tiến lên chiến đấu và xuất kỳ bất ý, quyết định! - “Có 1 giây làm nên lịch sử” 

Thực tế khi lấy thân bịt họng súng chỉ có tác dụng trong giây lát, (nhiều lắm 10-15 giây), vì khi vết thương nặng, thân người sẽ đổ xuống, hoặc trong lô cốt địch dùng gươm, giáo, gậy gộc đẩy thân người ngã xuống, súng đại liên lại bắn được. Vì vậy, đồng đội phải hiểu được ý định của liệt sĩ, nhanh chóng chớp thời cơ tấn công kịp thời để giành chiến thắng thì sự hy sinh của liệt sĩ mới có ý nghĩa xứng đáng. Nếu chỉ chần chừ 1 chút, thời cơ ấy qua đi, địch lại xả súng bắn ác liệt hơn, thương vong sẽ nặng nề hơn và nhiều khi khó tránh khỏi thất bại.

Trường hợp Phan Đình Giót không phải là người đầu tiên. Chúng ta đã nghe ở Liên Xô có Ma-trô-xốp, ở Trung Quốc có Đổng Tồn Thụy, ở Việt Nam ta cũng đã có Trần Cừ, Trừ Văn Thố…

HÃY TRÂN TRỌNG NHỮNG NGƯỜI ĐÃ HY SINH VÌ TỔ QUỐC VÀ CŨNG CHÍNH VÌ MỖI NGƯỜI CHÚNG TA.

HÃY CỐ GẮNG VƯỢT QUA SỢ HÃI. 

Trong đời, chắc ai cũng phải trải qua đôi ba lần hoang mang, sợ hãi. Bình tĩnh, sáng suốt, dũng cảm, liều lĩnh vượt qua, hay run sợ, nhắm mắt phó mặc cho số phận may rủi, hay hoang mang, dao động dẫn đến phạm sai lầm hèn nhát, là vết nhơ mà cả đời không sao gột sạch được.          

Với những người lính trẻ chúng tôi đang ngày đêm chiến đấu trên chảo lửa Điện Biên này, đùng 1 cái là mất tay, mù mắt, què chân thành người tàn phế suốt đời, ầm 1 cái là gục xuống vĩnh viễn không bao giờ còn đứng dậy được nữa, là tiêu đời. Có sống trong hoàn cảnh đau thương khủng khiếp ấy mới thử thách thần kinh căng thẳng đến thế nào.

Chỉ trong vòng có 6 giờ đồng hồ đêm 13/3/1954, trên mảnh đất Him Lam đầy máu và lửa, cả ta và địch đã có tới hơn 320 sinh mạng chết không toàn thây, hơn 500 con người thương tích, máu me đầy mình, rên la quằn quại. Lúc này khí thế chiến đấu và chiến thắng đang hừng hực như những đợt sóng ào ạt, ào ạt. Chúng tôi đang ngây ngất, say sưa và còn hối hả làm biết bao nhiêu việc thu dọn chiến trường trước khi trời sáng nên chẳng thể nghĩ ngợi gì.

Nhưng… ngày hôm sau, tiếp ngày hôm sau nữa, cả ngày lẫn đêm, cái cảnh núi xương, sông máu của cái đêm 13 ấy cứ hiện ra khủng khiếp, rùng rợn vô cùng. Những cựu binh đã dạn dầy trận mạc, đã được tôi luyện trong lửa đạn và xương máu, trái tim hồng đã thành gang thép thì tất cả sẽ qua mau để còn chuẩn bị cho trận chiến mới có thể còn gay go hơn, ác liệt hơn. Nhưng anh cán bộ mới ra trường, bộ quân phục còn thơm mùi vải mới, những tân binh còn thơ ngây, non nớt, còn chưa biết nụ hôn của người con gái là gì, thì cái cảnh chết chóc, máu me ghê rợn ấy cứ lởn vởn, khi ẩn, khi hiện. Trong cuộc đấu tranh cân não thầm lặng, nhưng không kém phần cam go, quyết liệt, hầu hết anh em đã cố gắng dũng cảm vượt qua. Nhưng cũng có người không thắng được nỗi ám ảnh, sợ hãi, rồi không biết ma sui, quỷ khiến thế nào, lại dẫn đến hành động mù quáng, hèn nhát đáng xấu hổ.

Và đây là 1 trường hợp. Tôi xin phép không nói rõ họ tên anh ta (vì có thể anh ta đã là 1 người tốt, vì sai lầm này chỉ là 1 tai nạn trong đời).

L.H. trước đây cũng học cùng trường Lương Ngọc Quyến với tôi. Năm 1953, H tòng quân trong phong trào “Xếp bút nghiên lên đường chiến đấu”. H đẹp trai, trắng trẻo, dáng vẻ thư sinh, hát hay, ăn nói nhẹ nhàng, thanh lịch, như lính ta thường nói: - “không chê vào đâu được”.

Sau chiến thắng Him Lam 2 ngày, chúng tôi đang sửa sang, củng cố hầm hào, công sự thì pháo địch bắn tới. Trong tiếng pháo ầm ầm, sao lại có tiếng súng trường bộ binh. - Có người bị thương! Hai đồng chí bị thương nhẹ ở đầu và vai và ở 1 ngách hào phía sau, H bị thương nặng: - Vỡ mắt cá chân. Súng của H nòng cắm xuống đất, khói còn vương vất. Cái vỏ đạn văng ra đây. Chúng tôi hiểu: - H đã tự thương! H đau đớn, khóc ròng. Băng bó sơ cứu, kêu dân công hỏa tuyến vào đưa H về tuyến sau đã.

Hai nam, hai nữ dân công Phú Thọ mang cáng vào đưa H ra. Chúng tôi không ai nói gì. Không hiểu sao hai cô dân công suy luận, rồi thắc mắc: - Đứng trong chiến hào sao lại bị thương tận mắt cá chân được? Lại bị thương do đạn súng trường là hết sức vô lý? - Đúng rồi! thằng cha này tự thương để “đánh bài chuồn” đây! Thế là hấp! hai cô dân công hất H ra khỏi cáng, kèm theo câu chửi thề: - “Chúng tao đi chiến dịch là để phục vụ các thương binh, liệt sĩ đã hy sinh quên mình vì dân, vì nước chứ không phải để phục vụ những thằng hèn nhát như mày” H khóc nấc lên, như sắp ngất xỉu. Chúng tôi nói thế nào, họ cũng không nghe. Hai cô dân công có đôi mắt bồ câu đen láy là thế, bỗng dưng chuyển sang hình viên đạn phóng về phía H lần cuối, rồi vùng vằng kéo nhau bỏ đi. Đành phải cử 4 chiến sĩ vào khiêng H đi. Tìm hiểu thì ra: H tì súng định bắn vào phần mềm của đùi thôi. Nhưng run tay thế nào nó lại trượt ra, bắn vỡ mắt cá chân.

Có cán bộ trách 2 cô dân công tàn nhẫn quá, nhưng nhiều người lại tỏ ý đồng tình cho đây là 1 bài học rất thấm thía mà nhân dân đã răn dạy bộ đội chúng tôi. Từ đó, bẵng đi tôi không gặp, không biết rồi sau đó H sẽ thế nào.

Phải đến 10 năm sau, một buổi sáng chủ nhật, tôi đưa con gái tôi là Mai đi mua truyện ở hiệu sách Bờ Hồ, khi ra cửa lấy xe đạp, tình cờ tôi gặp lại H, dáng vẻ, phong thái vẫn như xưa, nhưng chững chạc hơn, già dặn hơn. Được Quân đội cử đi học, năm 1964 tôi còn đang học năm thứ 5 Đại học Bách khoa thì H tốt nghiệp bác sĩ đã 2 năm, hiện đang làm giáo viên trường Đại học Y khoa Hà Nội. Công việc ổn định, gia đình vợ con đề huề, tôi cũng mừng cho H. Tôi không dám đả động hỏi thăm về vết thương của H. Chia tay đi được 1 quãng, tôi mới sực nhớ: - Không biết H đi đứng có bị sao không? Tôi quay lại nhìn H đang bước đi tập tễnh, thậm thọt, khó nhọc. Không biết H đã nói với vợ con thế nào về cái chân què này.

BẮN TỈA RỒI BẮN KỀU! MỖI KHI NHỚ LẠI. 

Không biết ai phát hiện tôi bắn xạ kích rất khá nên giới thiệu tôi “tăng cường” về tổ bắn tỉa của anh Vượng. Chỉ có mươi, mười lăm ngày với vai trò “đóng thế” khi đơn vị chưa kịp bổ sung xạ thủ nhưng đã hằn sâu trong tôi những ký ức khó phai.

Quân Pháp mới xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên phủ nên kho dự trữ súng đạn, lương thực chưa nhiều. Đến khi ta bao vây, hàng ngày chúng phải cho từng đoàn máy bay thả dù xuống tiếp tế đủ thứ. Phải công nhận kỹ thuật thả dù của nó khá tốt: - tập trung, - chính xác… Nhưng không thể cái dù nào cũng rơi vào trong cứ điểm được. Khi pháo cao xạ của ta khai hỏa, máy bay địch dính đạn không dám xuống thấp, ta lại đã đào hào áp sát thì nhiều dù đã rơi sang “tiếp tế” cho ta.

Ngày 22/4/1954 Bộ Tư lệnh Chiến dịch quyết định: - “Phải cắt cái dạ dày của chúng” Thế là tổ bắn tỉa ra đời với nhiệm vụ: - Hễ địch bò ra cắt dù, lấy hàng là “tiu”. Tổ chỉ có 3-5 tay súng. Hồi đó ta chưa có AK, CKC chỉ có súng trường 7,9 ly bắn khá chính xác. Cái khó là phải bí mật tiếp cận, phục kích càng gần mục tiêu càng tốt, khoảng từ 30 đến 70 m. Bọn địch thường bắn thăm dò, xăm xoi rồi mới cho 2-3 đứa lính Tây đen bò ra. Sau khi cắt tách kiện hàng ra khỏi dù, chúng buộc dây vào kiện hàng, bò trở về cửa hầm, rồi hò nhau ra kéo. Với cự ly gần như thế, với khả năng xạ kích của chúng tôi thì việc bắn hạ 2 tên Tây đen to béo không khó. Nhưng bắn xong phải nhanh chóng chuyển chỗ, vì địch sẽ trút mưa đạn khủng khiếp xuống đầu anh ngay lập tức.       

Tin những chiến tích bắn tỉa dồn dập truyền về làm anh em chúng tôi phấn chấn vô cùng, 10 ngày 4 tổ bắn tỉa của F.308 hạ 110 tên, F.312 diệt 120 tên. Chiến sĩ Lục Văn Thông 1 ngày bắn hạ 30 tên, Lâm Văn Vượng của tổ chúng tôi 15 viên đạn hạ gục 13 tên.

Có lẽ chiến tranh thì ở đâu cũng thế, người ta tìm đủ mọi cách để giết nhau nhiều hơn, đánh những đòn thâm hiểm hơn, đau đớn hơn và chúng tôi cũng không ngoại lệ. Cũng phải như thế để chiến thắng kẻ thù độc ác.

Chưa bằng lòng với chiến công “Mỗi viên là một quân thù” chúng tôi nẩy ra “sáng kiến” chuyển sang “bắn kều”, tức là: không bắn chết ngay, vì đã nhiều lần khi thấy lính đã chết, bọn chỉ huy địch đã mặc kệ bỏ xác, không “quan tâm” nữa. Bây giờ ta chỉ bắn cho chúng bị thương thôi, bị què thôi. Thế là nó rên la, khóc lóc, chửi bới, kêu gào bọn chúng ra cứu. Đến mức không chịu nổi, bọn chỉ huy địch đành phải cho mấy đứa ra vừa bò, vừa lôi kéo rất thê thảm. Khi về gần đến nơi, lúc bấy giờ chúng tôi mới tập trung bắn. Thằng chết, thằng ngắc ngoải sẽ “khủng bố tinh thần” những thằng đang nằm chờ chết trong công sự.

Mấy ngày sau, 1 hàng binh chạy sang ta cho biết: - Đòn này của các ông rất độc nên bọn chúng quyết trả thù. Chúng định thí hẳn 1 trung đội lê dương liều mạng ào sang, quyết bắt bằng được ít nhất 1 chiến sĩ bắn tỉa mang về “tùng xẻo” trả thù!

May quá! nếu không tôi hay cậu đã bị dính đòn trả đũa của chúng rồi. Chỉ huy bên ta quyết định: - “Tương kế, tựu kế”. Chuẩn bị hầm hào thật chu đáo, thông suốt. Tổ bắn tỉa bắn xong, rút ngay để dàn đại liên và trung liên của ta “tiếp đón” bọn lê dương.   

Và, thời khắc nhớ đời ấy đã đến. Bọn địch dở trò thậm thà thậm thụt nhử ta xuất hiện. Ta lặng thinh “án binh bất động” theo thế “ngũ hổ vồ mồi”. Qua ống nhòm đã thấy 2 tên Tây đen lò dò chuẩn bị. Phía sau đã thấy lố nhố bọn lính “rằn ri”. Lúc đầu 2 tên chạy lom khom chừng mươi mét rồi nằm xuống nghe ngóng, rồi tiếp tục bò ra phía chiếc dù đỏ. Ba mũi súng chúng tôi rê theo 2 mục tiêu đang chầm chậm tới gần, tới gần. Đội trưởng: - “Đợi chúng cắt dù xong, bắt đầu quay về mới nổ súng”. Chúng tôi hiểu: vì lúc ấy mục tiêu lộ rõ nhất, “ngon” nhất: Nín thở! chờ! Không thấy động tĩnh gì, hay nó ỷ thế quân của chúng sắp vồ chúng tôi nên 2 tên này có vẻ chủ quan. Một tên còn dám đứng lên ngó nghiêng, lơ láo như thách thức làm thằng kia phải kéo hắn nằm xuống. - “Bắn! Ba phát súng nổ cùng 1 lúc, 3 viên đạn găm đúng vào 2 thân hình đồ sộ. Chúng tôi rút ngay.

Chạy được chừng 10 mét thì nghe thấy tiếng súng lục phát lệnh và tiếng hô: - A la sô! (À l’assaut!)  quái gở của bọn lê dương,3 anh em chúng tôi chạy tiếp, tăng tốc. Sao không thấy súng ta khai hỏa thế này? - Các đồng chí của chúng tôi đánh bài ăn chắc đây. 

- “Bắn! tiếng hô như sấm của đại đội trưởng vang lên. 10 khẩu đại liên và trung liên đồng loạt nhả đạn 3 anh em chúng tôi quay lại. Bọn lê dương vẫn hò reo xông lên, hung hăng, dữ tợn. Lưới lửa đạn của quân ta trùm xuống, bắn vỗ mặt, bắn quét chéo cánh sẻ, quật ngã chúng đổ xuống như ngả rạ. Thằng sĩ quan vẫn điên cuồng thúc quân tiến lên. - “Phải diệt thằng này”. Đội trưởng bắn tỉa quyết định. Chúng tôi chấp hành. Tên sĩ quan trúng đạn gục xuống. Như rắn mất đầu, bọn lê dương chấp chới rồi quay đầu chạy thục mạng. - Không cho chúng nó thoát! Làn đạn dày đặc truy đuổi theo quật ngã đến tên lính thực dân cuối cùng. Lệnh đại đội trưởng: rút về để bảo toàn lực lượng! Quả nhiên, chừng 5 phút sau pháo địch dội xuống trả thù nơi chiến tuyến vừa diễn ra vô cùng khủng khiếp. Tất cả chúng tôi về đến đơn vị an toàn. Quân ta Đại thắng.

Mấy ngày sau, tôi tạm biệt Đội bắn tỉa trở về 77. Từ đó đã xuất hiện thêm nhiều đội bắn tỉa, là nỗi kiếp sợ ám ảnh ngày đêm với địch trên toàn mặt trận và địch không bao giờ dám liều mạng lần thứ hai trả đũa đội bắn tỉa nữa. Đội bắn tỉa của chúng tôi được Đại tướng Tổng tư lệnh tặng thưởng Huân chương Quân công. Đội trưởng báo tin: - Tôi cũng được đề nghị tặng thưởng Huân chương Chiến công.

Sau chiến dịch đơn vị thay đổi, tôi cũng thuyên chuyển đi đơn vị khác, nên mất liên lạc. Từ đó, tôi cũng không bao giờ gặp lại anh em trong đội bắn tỉa nữa, không biết  ai còn, ai mất...

Về chiến công bắn tỉa của quân ta trên chiến trường Điện Biên, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp nói: - “Hàng ngày, ở Sở Chỉ huy Chiến dịch nghe báo cáo số địch chết vì bị quân ta bắn tỉa, số lương thực, đạn dược bên ta đoạt được, tôi nghĩ rằng ta đã cho địch nếm những đòn cay đắng nhất”    

Trong chiến tranh, không biết có quân đội nào có kiểu “bắn tỉa”, rồi “bắn kều” như chúng tôi không?