Thứ sáu, 26/04/2024

PHÁ BOM TỪ TRƯỜNG

2692
0

PHÁ BOM TỪ TRƯỜNG

Đại tá NGUYỄN QUÍ (Nguyên Cục trưởng Cục kỹ thuật Bộ Tư lệnh Công binh)

Từ cuối năm 1967 sang 1968, địch thả bom, mìn từ trường đã gây tổn thất lớn về người và phương tiện giao thông, đã cản trở việc chi viện cho chiến trường miền Nam rất nhiều. Phải phá bằng được loại bom, mìn độc ác này.

Ngày 25/11/1967, một máy bay địch bị ta bắn rơi, dân quân xã Phù Đổng, Gia Lâm, Hà Nội đã thu được 14 quả mìn từ trường còn nguyên vẹn và ngòi nổ đã được tháo ra an toàn. Khám phá bí mật ngòi nổ MK-42 đến tháng 3/1968, các cán bộ kỹ thuật Công binh đã chế tạo thành công cuộn dây phóng từ “1-5-1”. Thiết kế được Bộ nghiệm thu, chuyển giao sản xuất hàng loạt, mang tên PB1/5A và PB1/5B và đã được lắp đặt trên ca-nô, xe bọc thép, xe Gát 69. Lần này, theo thiết kế đã được phê duyệt, Bộ giao cho Đội chúng tôi chế tạo lắp đặt thí nghiệm trên máy húc CT.100.

Tóm tắt “kịch bản”: - Máy húc vừa chạy, vừa dập cầu dao phóng từ về phía trước, kích cho bom, mìn từ trường nổ. Sau đó hạ lưỡi húc xuống cùng với 2 xích máy húc đè nổ hết các loại mìn “bướm”, mìn “díp”, tiến hành san ủi đường để cho xe pháo và bộ đội hành quân qua.

Theo thiết kế, có một khung dây đồng quấn quanh cabin máy húc. Không có một thiết bị gì thì làm sao đây? Cái khó lại ló cái khôn: khung cố định, cuộn dây di động. Tôi cho thợ mộc đóng 1 cái giá gỗ rồi đặt khung dây lên, bố trí 12 thợ đứng xung quanh. Cuộn dây đồng đặt trên 1 chiếc xe cải tiến, 1 thợ kéo xe và 1 thợ khi đến từng vị trí thì gỡ dây đồng đưa cho 12 thợ xếp vào khung dây.

Anh em cười, nói vui: - “Chúng mình làm cứ như đèn kéo quân đêm Rằm tháng Tám ấy nhỉ”. Đánh vật gần 1 ngày cật lực mới xong.

Không có xe cần cẩu thì làm thế nào mà nhấc nổi cái cuộn dây khổng lồ lên chụp vào cabin máy húc đây? Đội trưởng Thương băn khoăn. Tôi nói vui: - “Thủ trưởng cứ thưởng cho 3 con vịt anh em ăn chiều nay thì chúng em sẽ xong ngay”. Anh Thương hăng lên: - “Không phải 3 mà 4 con luôn cho tròn mâm”. Bộ đội vỗ tay hoan hô Thủ trưởng.

      Thực ra, tôi đã có cách rồi. Tôi cho gia cố, gia cường khung dây cho thật cứng cáp; buộc pa-lăng xích lên xà nhà xưởng, móc vào khung dây kéo lên cao, rồi cho máy húc chạy tới khung dây từ từ hạ xuống, anh em thợ đỡ, điều chỉnh đúng vị trí, hàn liên kết khung dây với cabin máy húc. - “Ồ! Xong rồi kia à?”  Anh Thương vừa từ nhà sang xưởng ngạc nhiên, thốt lên. Anh em cười reo hò: - “Thủ trưởng ơi! 4 con, 4 con”.

Đời lính chúng tôi cũng có nhiều lúc vui như thế đấy! 

Hai ngày sau, hàn thép che chắn kính buồng lái chỉ để 2 khe hở như lỗ châu mai, lắp đặt cầu dao từ. Theo hướng dẫn của kỹ sư thiết kế, thì đơn giản, trong tầm tay, không có gì trở ngại.

 Tiếp theo sau 5 ngày liên tục, tôi và anh Hóa - Kỹ sư thiết kế cho xe ra đồi thực nghiệm ở các giờ sáng, chiều khác nhau thì thấy rằng: - Khoảng từ 8 giờ đến 10 giờ sáng thì dễ nổ nhất, 10 giờ đến 11 giờ thì 50/50, hơn 11 giờ thì khó lắm! Đến rất gần, dập cầu dao phóng từ liên tục nhưng “nó” vẫn ỳ ra, không chịu nổ.

Thế mới lạ chứ, chưa giải thích được.

Theo kế hoạch, sáng ngày 24/8/1969, Thủ trưởng và các cơ quan Bộ Quốc phòng sẽ lên xem thao diễn báo cáo, kết luận và cho chủ trương sản xuất hàng loạt phục vụ chiến đấu.

Phó Tổng Tham mưu trưởng, Đại tá Phùng Thế Tài sẽ bay trực thăng lên, còn Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Thiếu tướng - Anh hùng Trần Đại Nghĩa và đại biểu các cơ quan, đơn vị sẽ đi ô tô lên.

Dự kiến 9 giờ bắt đầu, Thủ trưởng phân công: Anh Huỳnh Thúc Bảo: - Trưởng ban Xe máy báo cáo tóm tắt đề tài thiết kế, tôi phụ trách công tác tổ chức, chỉ huy thao trường. Tất cả đã sẵn sàng.

8h30 đoàn xe của các đại biểu tới. Dẫn đầu là xe Anh Nghĩa, một chiếc xe Lada mầu vàng nhạt, đã cũ. Sau khi chào hỏi, đoàn đại biểu tới xem chiếc máy húc phá bom từ trường. Mọi người khen bố trí thiết bị hợp lý, chắc chắn, gọn, đẹp.

Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa hỏi: - “Công binh đã chế tạo ở nhà máy nào đấy?” Anh Bảo: - “Dạ! chúng tôi làm ở Đội sửa chữa lưu động, đồng chí Quý là tác giả chỉ huy thi công sẽ báo cáo với Thủ trưởng”. Thiếu tướng và mọi người rất ngạc nhiên vì không thể hình dung ở Đội sửa chữa lưu động mà cũng có thể làm được như thế này.

Tôi báo cáo hết sức ngắn gọn những việc đã làm được và những việc còn băn khoăn, vướng mắc, kể cả vấn đề “nổ và khó nổ”.

Anh Nghĩa bước tới, bắt tay tôi, Anh nói: - “Đồng chí nói rất chân thực, nền khoa học kỹ thuật của Mỹ đứng hàng đầu thế giới, đặc biệt về vũ khí, trang bị rất tối tân, hiện đại như bom từ trường là một ví dụ, hôm nay, ta đã nghiên cứu phá được, nhưng chúng sẽ lại có loại khác tinh vi hơn, nguy hiểm hơn. Vì thế, chúng ta không được chủ quan, tự mãn, phải khiêm tốn, tỉnh táo, sáng tạo. Phải cố gắng hơn nữa mới có thể chiến thắng đươc kẻ thù”      

9h15… 9h30… 9h45. Vẫn không thấy tăm hơi trực thăng đâu cả. Sốt ruột quá! Nắng đã lên, chói chang. Ngồi trong nhà bạt, trên đồi chỉ có nắng và gió, các đại biểu mặt đỏ gay, mồ hôi, mồ kê ướt áo rồi.

  - “Chắc Thủ trưởng Tài có việc đột xuất, đề nghị Anh cho phép tiến hành”. Các đại biểu cũng đồng tình, đồng thanh đề nghị: - “Các đồng chí cố gắng ráng chờ thêm 1 chút nữa”.

Với vẻ mặt vui vẻ, thản nhiên, Anh quay sang nói chuyện về đường 559 với anh Phan Văn Diêu. 10h15 rồi! Lòng chúng tôi như lửa đốt. Nhỡ mà… - “Để thì kêu, đánh thì tịt” thì biết thanh minh, thanh nga thế nào đây? Đã thoáng nghe nhiều tiếng bàn tán, xì xào. - “Ông tướng lại phải ngồi chờ lệnh ông tá à?” - “Nhưng tá là người chỉ huy, tướng là kỹ thuật, là phục vụ chỉ huy”. 

Một cán bộ từ bên Trường Kỹ thuật Công binh chạy sang đưa bức điện cho Thiếu tướng. Thiếu tướng nói: - “anh Tài có nhiệm vụ đột xuất quan trọng đặc biệt, không lên được, các đồng chí chuẩn bị tiến hành”. Theo nghi thức, tôi chào báo cáo Thiếu tướng, rồi chạy xuống vị trí ra lệnh thao diễn bắt đầu.

Máy húc từ từ tiến lên. Hồi hộp, nín thở, dập cầu dao 1..., 2…, 3… Tôi lẩm bẩm - “Nổ đi! mày ơi! nổ đi! - Oàng! Hay quá! Tiếng vỗ tay rầm rập. Máy húc hùng dũng tiến lên, hạ lưỡi xuống cùng với 2 xích đè nổ hết hơn chục bom bướm, bom díp. Những tiếng nổ lốp bốp ròn tan như tiếng pháo ran. Máy húc tiếp tục san ủi mở đường, khai lối ngon lành. Buổi thao diễn thành công tốt đẹp.

Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa chủ trì họp rút kinh nghiệm luôn. Anh Phan Văn Diêu thay mặt Bộ Tư lệnh 559 tha thiết đề nghị Bộ tiến hành sản xuất hàng loạt ngay, vì 559 rất cần loại máy này.

Bỗng một chiếc xe com măng ca phóng tới. Một cán bộ xuống xe chạy tới báo cáo Thiếu tướng. Anh Tài rất quan tâm việc phá bom từ trường lần này, nên cử phái viên lên xem kết quả cụ thể về báo cáo lại. Không chần chừ, Thiếu tướng gọi tôi lại: -“Đồng chí cố gắng cho làm lại lần nữa”.

Tôi liếc nhìn đồng hồ: 11giờ đúng, gay go quá, rơi vào vòng nguy hiểm rồi. - “Quân lệnh như sơn” mà. Chúng tôi hối hả chuẩn bị, chạy đua với thời gian.

Và, nhờ Trời và các liệt sĩ phù hộ. Việc thao diễn lần thứ 2 đã thành công hơn cả mong đợi. Tôi như vừa trút được hòn đá nặng đang đè trên đầu, trên cổ. Anh cán bộ Bộ Tổng Tham mưu tới bắt tay chúc mừng chúng tôi, chào Thiếu tướng và xin phép trở về ngay.

Chiếc xe com-măng-ca, quay đầu phóng đi, cuốn theo làn bụi hồng của đồi Trung Hà buổi trưa hôm ấy. Bữa ăn trưa đơn giản, nhẹ nhàng nhưng vui vẻ, chuyện trò rôm rả. Ra bàn uống nước, Trưởng phòng Khí tài - Thiếu tá Đặng Sĩ Hùng nói: - “Yêu cầu sản xuất hàng loạt gấp, vì bảo đảm bí mật, lại đòi hỏi lý lịch 3 đời trong sạch thì đào đâu ra đủ những thằng giỏi mà làm. Các cậu vừa thắc mắc về đợt đề bạt vừa qua à? Sao quân hàm như những hạt ngô? Ngô ít, gà nhiều, vừa vãi ra, những con ở gần nó mổ hết rồi thì còn đâu đến lượt chúng mày”. Thủ trưởng của tôi vẫn thường ăn nói thẳng thừng như thế. 

Hơn 1 tháng sau, Ban xe máy - Phòng Khí tài Công binh được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba. Tôi được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng.

Và ngay hôm sau, ngày 25/8/1969 chúng tôi nhận được lệnh: - Đưa ngay xe công trường xa AD-400G cùng tổ cơ khí gò - hàn - tiện nguội về gặp Phó Tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài và Phó Tư lệnh Binh chủng Trần Bá Đặng nhận nhiệm vụ đặc biệt. Khi chúng tôi vào trong Thành thì các bác thợ cơ khí giỏi của X.49 cũng  vừa tới: bác Tý “gò”, bác Như “bạc”, Hòa, Thủy, Hà, Cánh, Bi,…

Nhiệm vụ phải tuyệt đối giữ bí mật, làm theo bản vẽ thiết kế thật cẩn thận, chính xác. Sau khi ổn định tổ chức, bắt tay vào làm việc, anh Thương ở lại phụ trách đội công tác, còn tôi phải về để hoàn tất báo cáo kết quả thử nghiệm “Phá bom từ trường”. Sẽ chạy đi, chạy về. 

Mãi mấy ngày sau chúng tôi mới biết hôm thao diễn phá bom từ trường Thủ trưởng Tài không lên Trung Hà được là do Anh phải dự cuộc họp đặc biệt về lo hậu sự cho Bác và bây giờ Công Binh có vinh dự làm Tấm áo kính đầu tiên quàn thi hài Bác trong những ngày Lễ Quốc tang. 

                                             NGUYỄN QUÝ