Thứ năm, 02/05/2024

CHUYỆN KỂ CỦA CHIẾN SĨ ĐIỆN BIÊN NĂM XƯA

2384
0

CHIẾN DỊCH ĐIỆN BIÊN NHỚ LẠI & SUY NGHĨ

Bài thứ ba: BÀI HỌC XƯƠNG MÁU

KỶ LUẬT CHIẾN TRƯỜNG - KỶ LUẬT THÉP!

Tình hình chiến sự hết sức căng thẳng

Trung đoàn 77 tiếp tục cử 1 đoàn cán bộ trở về hậu phương, tiếp nhận tân binh, tổ chức hành quân, kịp thời bổ sung cho chiến dịch. Lệnh: - Ngày G phải có mặt! Chính trị viên Tiểu đoàn Nguyễn Văn N. và Tiểu đoàn phó M. Q.T. chỉ huy thực hiện nhiệm vụ này. Thời ấy chưa có điện thoại di động nên hàng ngày không biết đoàn hành quân đã đi đến đâu, có trở ngại gì không. Thương vong nhiều nên việc bổ sung quân số cho các đơn vị rất cấp thiết. Sắp đến ngày G, điện của Bộ Tham mưu Chiến dịch liên tục hỏi: - Đến chưa? - Đến chưa?

Ngày G. Càng trông ngóng, càng không thấy tăm hơi đâu. Ban chỉ huy Trung đoàn như ngồi trên chảo lửa, Bộ điện xuống: - “Tại sao? tại sao?? Cho liên lạc chạy hỏa tốc tìm… và đã gặp…Nhận lệnh, đoàn hành quân vội vàng vừa đi, vừa chạy nhưng đến nơi thì đã chậm đúng 1 ngày. Thì ra thấy lính ta mệt quá, hai thủ trưởng đã cho nghỉ lại ở Tuần Giáo 1 ngày. Chúng tôi hối hả làm công tác bàn giao bổ sung quân cho các đơn vị ngay ngày hôm sau.

Cứ tưởng chỉ bị khiển trách hay cảnh cáo là cùng, nào ngờ 2 ngày sau Trung đoàn nhận được quyết định của Đảng ủy và Bộ Chỉ huy Chiến dịch: - Khai trừ Đảng và hạ chức Chính trị viên tiểu đoàn xuống Đại đội phó đối với đồng chí Nguyễn Văn N. - Cảnh cáo về Đảng và hạ chức Tiểu đoàn phó xuống Đại đội phó đối với đồng chí M. Q. T. 

Không biết 2 thủ trưởng thế nào, ngay anh em chúng tôi còn thấy choáng váng, anh N. tham gia cách mạng và vào Đảng từ những năm 40, đã từng bị tù ở nhà ngục Sơn La, chỉ sơ xẩy một chút… Sau đó vụ kỷ luật Tiểu đoàn trưởng chủ công đánh đồi A1 đã gây chấn động toàn mặt trận.

Những người lính chúng tôi càng thấm thía câu:

KỶ LUẬT CHIẾN TRƯỜNG LÀ KỶ LUẬT THÉP

Chuyện nhỏ!

Chuyện nhỏ, nên quên! Nhưng: chuyện nhỏ chút xíu nữa đã thành chuyện lớn trong đời, nên cũng xin kể lại:

Một lần bắn tỉa xong, trên đường rút về thì bị pháo của địch dội xuống, băm nát 1 đoạn giao thông hào tới hơn hai chục mét, không tài nào có thể vượt qua! Đành phải lộn lại, tìm nhánh đường khác vậy. Loanh quanh, lần mò thế nào lại đụng phải địch! May mà ngửi thấy mùi thuốc lá, rồi nghe chúng nó xì xà, xì xồ nên mới biết mà “gài số lùi” kịp thời, Không thì toi rồi.

Trời tối dần, mà vẫn lẩn quẩn chưa thoát ra khỏi vòng vây quái ác - Phải liều thôi! Thế là tôi phi lên, đứng quan sát, định hướng, thấy lối thoát rồi, nhưng… Đoàng... quật tôi ngã xuống chiến hào, một viên đạn găm vào bụng chân trái tôi đau điếng, chạy đã! Tôi nghiến răng lặc lè chạy, chạy thoát thân đã! Máu chảy ra ướt đẫm ống quần.

Cảm thấy thoát rồi, tôi mới dừng lại lấy cuộn băng cá nhân buộc chặt lại. Chỉ có mấy anh em biết, nên tôi dặn tuyệt đối giữ bí mật, không ai được báo cáo cấp trên. Vì có khi lại bị phê bình là chủ quan, khinh địch, phiêu lưu, mạo hiểm. Rồi cho về Trạm Quân y tiền phương, loại khỏi đơn vị chiến đấu.

Nhìn vết thương tôi đoán là 1 viên đạn Carbine đã cuối tầm, đạn mới “chui” vào bụng chân tôi chừng 3-4 cm, chắc chắn chưa đụng đến xương, máu cũng chỉ còn ri rỉ thôi. Thực lòng, đêm hôm ấy đau thì ít, mà lo thì nhiều. Mong đến sáng để “giải quyết” vụ này.

Sáng hôm sau, 3 anh em bàn, thống nhất phương án “tác chiến”. Tôi có nhiệm vụ cố gắng đi lại bình thường, dung nhan tươi tỉnh, lò dò leo lên đồi A. Một cậu lên Quân y xin ít bông và “thuốc đỏ”, còn 1 cậu mượn cái pince. Nếu Y tá hỏi, thì nói là để gắp vòng dây lựu đạn chày chuẩn bị. “sẵn sàng chiến đấu” mọi việc diễn ra đúng kịch bản.

Tôi nghiến răng chịu đau, hai ông bạn vàng cố bóp, nặn bụng chân tôi xem cái viên đạn đáng ghét, may ra nó có tòi dần ra không? Thực ra nó sâu hơn tôi tưởng. Phải tới hơn 5cm.Cái pince đã đụng tới nó rồi, nhưng không quặp được, “phải giương cái pince ra, rồi, ấn sâu vào mới gắp được”, tôi hướng dẫn. Hai đồng đội thấy tôi đau quá, nghiến răng kèn kẹt, mồ hôi đầm đìa, nên thương tôi, không dám mạnh tay gay go đây! 

- “Bắt quả tang 3 tên lính Ngự lâm liều lĩnh”. Chúng tôi giật mình, quay lại - Đồng chí Y tá. Chết rồi! - Thôi! 2 ông Y tá bất đắc dĩ lui ra để mình xử lý cậu này. - Ái đau quá! tôi buột miệng kêu lên. - Xong rồi! “Nó” đây này! Cậu Y tá nhặt viên đạn Carbine dính đầy máu đưa cho tôi, rồi tiếp tục vệ sinh, sát trùng vết thương, vặn 1 “con cúi” bông bằng chiếc đũa, tẩm đẫm “thuốc đỏ”, từ từ nhét vào, băng chặt lại. - Xong!  

Cảm ơn đồng chí Y tá! Ba anh em năn nỉ, đề nghị đồng chí giữ bí mật cho. -“Đồng ý, nhưng nếu không may bị nhiễm trùng, phát sốt là không được dấu diếm đâu đấy”.

Các bạn ơi!

May mắn làm sao, mấy ngày sau chúng tôi được nghỉ ngơi, không phải đánh đấm gì và kỳ lạ chưa, miệng vết thương cứ thu nhỏ dần, nhỏ dần, đến hơn 1 tuần sau thì liền lại. Mọi người bảo tôi: - Lành da. Không hiểu cái con cúi bông còn nằm trong bụng chân tôi, hay đã tiêu từ lúc nào rồi không biết nữa.

Nói dại, nếu viên đạn hôm ấy, chỉ cần sâu thêm 2cm nữa, “xơi tái” cái xương ống quyển của tôi, thì có khi bây giờ tôi đã là tác giả của “những dấu chân tròn trên cát” rồi nhỉ?

Đại tá Nguyễn Quý- nguyên Cục trưởng Cục kỹ thuật, Bộ Tư lệnh Công Binh khi nhập ngũ

Ơn Trời!

TỪ KỶ NIỆM SÂU SẮC ĐẾN BÀI HỌC NHỚ ĐỜI 

Chuyện về chiến dịch Điện Biên - Trần Đình còn nhiều, nhiều lắm nhưng cũng đã khá dài, nên tôi xin phép tạm dừng phần nhớ lại những kỷ niệm sâu sắc, để nói đôi điều suy nghĩ về những bài học nhớ đời của tôi:

1. DÂN CHỦ & QUYẾT ĐOÁN

Ngày nay mọi người hết lời ca ngợi quyết định vô cùng sáng suốt của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp khi thay đổi “đánh nhanh, thắng nhanh” đã được tập thể Đảng ủy Mặt trận ra nghị quyết và Cố vấn Trung quốc thông qua, sang phương châm tác chiến “đánh chắc, tiến chắc”.

Lúc đầu khi đi thị sát chiến trường, chúng tôi đã thấy: nếu cứ đánh theo kiểu “người trước ngã, người sau tiến lên” thì thương vong rất lớn, mà chưa chắc đã thắng. Nhưng cấp trên đã quyết định, mà từ lâu đã có quan niệm tập thể Đảng ủy thì không bao giờ sai. Khí thế tiến công đang hừng hực, nói khác đi thì lập tức bị quy là dao động, sợ chết, nên cứ “ngậm bồ hòn làm ngọt” chẳng ai dám ho he nói nửa lời.

Khi kéo pháo ra, theo quyết định của Đại tướng, chúng tôi vui mừng khôn xiết như được tái sinh và cuối cùng quân ta Đại thắng. Những chiến sĩ Điện Biên chúng tôi đã may mắn còn sống để đi tiếp cuộc trường chinh chống Mỹ cứu nước, làm nên chiến dịch Hồ Chí Minh Đại thắng mùa Xuân 1975.

Tính quyết đoán đúng đắn, sáng suốt của người chỉ huy, nhất là khi nó lại trái với quyết định lãnh đạo tập thể của Đảng là vô cùng khó khan. Phải có dũng khí, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm mới thành công. 

Tôi đã học, đã tiếp thu, đã vận dụng tinh thần bài học lớn này trong chiến đấu và công tác và cũng đạt được nhiều thành công. Tuy nhiên trải nghiệm trong đời tôi: - Nếu may mắn được cấp trên là người thông minh, hiểu biết, đổi mới thì công lao được ghi nhận, tôn trọng. Nhưng nhiều khi vấp phải lãnh đạo đã dốt nát, lại bảo thủ, trù úm, ghen ăn tức ở, thì “lãnh đủ” các tội,  kể cả khi thành tích đã rõ mười mươi! Đời là thế đấy.

2. THAO TRƯỜNG & CHIẾN TRƯỜNG.

Hồi ấy 77 chủ trương tung cán bộ xuống cùng chiến đấu với tân binh là rất đúng đắn, thể hiện trách nhiệm với “sản phẩm” của mình đào tạo. Qua thực tiễn chiến đấu, với cá nhân tôi thấy rằng: “Lính mới thường hay hoang mang, dao động, trước giờ nổ sung, hay, sau trận đánh ác liệt bị thương vong nhiều, hay bị thất bại nặng nề, dẫn tới hành động đào ngũ, tự thương. Các cán bộ, cựu binh cần đi sát tâm sự, động viên để tân binh khuây khỏa vượt qua thời gian trống vắng đáng sợ này.

Phải tăng cường huấn luyện chiến đấu ban đêm. Kỹ thuật bắn xạ kích phải hết sức thành thạo như máy, giương súng lên là - đoàng! vì ít khi có thời gian mà nheo mắt ngắm - Nín thở. - Bóp cò như khi tập luyện. Các tình huống chiến đấu diễn ra muôn hình, vạn trạng, phải xử lý ngay trong tíc-tắc và không thể sai lầm, dù chỉ là 1 lần…

Cũng phải thừa nhận có số phận may rủi vì: - Đạn tránh ta chứ ta không tránh được đạn. Nhưng vẫn phải luôn luôn nhớ rằng: - “Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu” vì từ luyện tập đến chiến đấu còn khoảng cách xa, xa lắm…

3. LỬA THỬ VÀNG

Chiến tranh là sự thử thách khốc liệt nhất, nó không có chỗ cho kẻ hèn nhát, cơ hội. Nó đánh giá bản lĩnh, phẩm chất con người một cách sòng phẳng, dứt khoát, không nể nang, không khoan nhượng.

Nếu cấp lãnh đạo, người chỉ huy công tâm, vì sự nghiệp chung thì từ đây sẽ lựa chọn được nguồn cán bộ tốt, bồi dưỡng phát triển cho tương lai. Ngày nay không còn chiến tranh, khi đánh giá con người không chỉ dựa vào bằng cấp, mà phải qua thử thách thực tiễn công tác xem họ thực sự có tâm trong sáng, có tài xứng tầm không?

Cán bộ quyết định thắng lợi, cán bộ quyết định hết thẩy.

Các cấp lãnh đạo từ xưa đến nay đều nói như thế. Nhưng thử hỏi liệu được bao nhiêu % lãnh đạo làm đúng như họ đã nói, như họ đã dạy đời?

4. THỦ TRƯỞNG CHỈ CÓ 1 

Có người nói: - “Trong Quân đội thì không thể dân chủ được”. Với tôi: -đúng và không đúng! - Không đúng, vì chúng tôi có tam đại dân chủ: Quân sự; - Chính trị; - Kinh tế. Chúng tôi sống chết có nhau, thương yêu nhau như cha con, như anh em ruột thịt, với nghĩa tình đồng chí, đồng đội thiêng liêng - Đúng! vì có những bí mật quân sự không thể ai cũng biết, không thể công khai bàn bạc tập thể; vì trong chiến trận nhiều khi phải có quyết định dứt khoát, ngay tức khắc có thể dẫn tới thắng hay thua, có thể dẫn tới hàng chục, hàng trăm chiến sĩ hy sinh.

Vì thế trong chiến tranh vị trí, vai trò của người chỉ huy cực kỳ quan trọng. Tôi đã chứng kiến trước đây không ít đồng chí khi được đề bạt đã từ chối, không dám nhận, vì sợ không làm tròn trách nhiệm, sợ hỏng việc chung. 

Quân đội phải thực hiện nghiêm túc chế độ: -Một Thủ trưởng. 

Vấn đề là chọn sao cho đúng người xứng đáng. Nhà phải có nóc, Chỉ huy trưởng phải hơn cấp Phó 1 cái đầu. Tôi phản đối kiểu núp dưới “lá bài Dân chủ”, cái gì cũng bàn, rồi ra 1 cái nghị quyết chung chung, trốn tránh trách nhiệm, để rồi tranh công, đổ lỗi, gọi đích danh họ chính là những kẻ cơ hội. Hiện nay “mua quan, bán chức” nhan nhản ở nhiều ngành nhiều cấp, đáng buồn có cả trong quân đội. Họ là kẻ “văn dốt, vũ dát”, chạy chọt để leo cao, vì càng có quyền thì càng lắm tiền, nhiều lợi. Và tệ tham nhũng đã thành quốc nạn. Than ôi! bao giờ trở lại được như xưa...

5. CHIẾN SĨ VÔ DANH

50 năm sau, tôi cùng đoàn chiến sĩ Điện Biên trở lại thăm chiến trường xưa. Khi viếng nghĩa trang liệt sĩ, các ngôi mộ anh hùng ở trước tượng đài thì khói hương nghi ngút, mọi người chen nhau vào kính cẩn lễ bái. Còn biết bao nhiêu ngôi mộ liệt sĩ khác thì hương lạnh, khói tàn. Tôi chạnh lòng cầm một bó hương đi thắp cho các ngôi mộ ở phía xa, nhưng cũng chẳng được là bao. Tôi ân hận cảm thấy mình có lỗi với đồng chí, đồng đội. Tôi luôn tự hỏi: “có nhiều liệt sĩ vô danh nhưng chiến công cũng không kém các anh hùng có danh, có tiếng?” và số đó lại rất nhiều…

Có lẽ chỉ ở Điện Biên, pháo mặt đất mới đặt trên núi, ngắm qua nòng, bắn trực tiếp. Bắn xong mấy phát lại kéo pháo tụt vào hầm. Hai chiến sĩ kéo cành lá ngụy trang lại và ra sức quạt cho khói tản ra mau. Nhiều cậu làm nhiệm vụ này bị sức ép của pháo làm ù tai, điếc đặc. Đồng thời khi pháo ta bắn thì ở gần đấy có 1 tổ đốt pháo nghi binh, cố tình tạo khói thật nhiều đánh lừa địch, thu hút pháo địch bắn trả, giữ bí mật cho đội hình pháo của ta. Đã nhiều đồng chí hy sinh vì nhiệm vụ nguy hiểm này. Đây chỉ là 1 trong muôn ngàn trường hợp hy sinh vì nghĩa lớn.

Vì thế, tôi và tất cả chúng ta không được quên ơn các Anh hùng liệt sĩ vô danh...

Các bạn thân mến.

Tôi thành thật chia sẻ những bài học từ thực tiễn chiến đấu của tôi. Rất mong các đồng chí thông cảm nhé! 

                   NGUYỄN QUÝ (Huy Toàn ghi)