Thứ năm, 02/05/2024

Đô đốc Giáp Văn Cương

2406
0

ĐÔ ĐỐC GIÁP VĂN CƯƠNG 
TƯ LỆNH HẢI QUÂN 

Bài viết nhân dịp Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Đô đốc Giáp Văn Cương.

Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đã phát hành bộ tem "Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Đô đốc Giáp Văn Cương, thật ý nghĩa.
Đô đốc Giáp Văn Cương sinh ngày 13-9-1921, tại xã Bảo Đài, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. Sự nghiệp của ông gắn bó với lực lượng Hải quân Việt Nam. Với những cống hiến to lớn của ông cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, ông đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất; hai Huân chương Quân công hạng Nhất và truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.

Nhân dịp này, nhớ đến Tư lệnh, thủ trưởng thật tài giỏi mà chúng tôi rất kính trọng, xin viết những dòng về ông.

Tôi về công tác tại Phòng Công binh Hải quân năm 1981, được tiếp xúc, làm việc dưới quyền tư lệnh nhiều năm với rất nhiều kỉ niệm.

Đầu tiên tôi nhìn thấy Tư lệnh trong cuộc diễn tập chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu, đi chuyển Sở chỉ huy và cơ quan ra nơi sơ tán do Ông trực tiếp chỉ huy vào năm 1984.

Cuối năm 1984, tình hình chiến tranh biên giới do Trung Quốc gây ra vẫn còn căng thẳng, trên biển cũng đề phòng họ đánh chiếm một số đảo của ta. Bộ quốc phòng chỉ đạo cuộc diễn tập MB 84 trong đó có thực hành bắn đạn thật của Hải Quân và Không quân với sự quan sát của các cố vấn Liên Xô. Cuộc diễn tập thực binh được diễn ra tại vùng biển Đồ Sơn Hải Phòng, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước sẽ về chỉ đạo quan sát cuộc diễn tập trong đó có Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh. Tổ tác huấn chúng tôi được giao nhiệm vụ kiểm tra bom mìn vật nổ bảo đảm an toàn cho các quan khách. Vào tám giờ sáng cuộc diễn tập diễn ra, các máy bay phản lực bổ nhào ném bom vào các mục tiêu trên biển, các máy bay trực thăng bắn rốc két tiêu diệt mục tiêu. Tiếp đến là tầu Hải quân phóng tên lửa, cuối cùng là tên lửa bờ của Đoàn 679 phóng đi. Các hoạt động diễn ra đúng kế hoạch, bảo đảm an toàn tuyệt đối, tổ tác huấn của chúng tôi cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ được tặng giấy khen của Bộ Tham Mưu, được Tư lệnh Giáp Văn Cương biểu dương .

Năm 1984 Hải quân Việt Nam và Hải quân Liên Xô tổ chức cuộc diễn tập HN 84 ( Hữu nghị Việt - Xô năm 1984 ), với nội dung : Đổ bộ đường biển và Chống đổ bộ đường biển. Cuộc diễn tập diễn ra trên khu vực biển và bờ biển huyện Quảng Xương - Thanh Hoá. Với lực lượng tàu chiến, tàu đổ bộ, hải quân đánh bộ của hai nước được huy động lớn, cuộc diễn tập thành công tốt đẹp. Tư lệnh Giáp Văn Cương trực tiếp chỉ huy lực lượng Hải quân Việt Nam cơ động trên biển và thực hành đổ bộ, thể hiện vai trò của Tư lệnh Quân Chủng và là nghiên cứu để xây dựng phương án tác chiến .

Trong giai đoạn này Hải quân được Liên Xô viện trợ cho ta rất nhiều mìn chống đổ bộ đường biển PĐM-1 và PĐM-2 nhưng tài liệu huấn luyện kỹ chiến thuật còn thiếu. Tôi đã chủ động cưa bổ đầu nổ của hai loại mìn này ra nghiên cứu để viết ra tài liệu cấu tạo và nguyên lý hoạt động của nó. Sau đó nghiên cứu viết tài liệu bố trí vật cản chống đổ bộ đường biển và mở cửa mở qua hệ thống vật cản chống đổ bộ đường biển . Để chuẩn bị cho thực binh Tổ tác huấn chúng tôi cùng thủ trưởng phòng vào Quảng Xương-Thanh hoá chỉ đạo Lực lượng Công binh của Lữ đoàn HQĐB 126 thực hành bố trí vật cản chống đổ bộ đường biển và mở cửa mở cho Hải quân đánh bộ đổ bộ. Vào đêm trước khi đổ bộ tiến hành lắp ghép chuỗi bộc phá ống dài 50 mét với hai dãy. Đúng vào giờ G theo kế hoạch hiệp đồng tôi chỉ đạo hai tổ công binh ấn nút điểm hoả, hai tiếng nổ đanh long tròi, nước bắn tung lên cao, đội công binh mở cửa mở cắm cờ đánh dấu cửa mở, các xe tăng lội nước PT76 và xe lội nước BTR 60BP chở quân của Lữ đoàn 126 ào ào tiến qua cửa mở vào bờ. Lực lượng Hải quân đánh bộ ào ạt xông lên đánh chiếm mục tiêu. Cánh quân bên trái do Hạm đội Thái Bình Dương của Liên Xô đổ bộ cũng tiến công song song cùng với Hải quân Việt Nam. Đến 10 giờ sáng hai lá cờ của Việt Nam và Liên Xô tung bay trên đỉnh núi Xước thuộc xã Quảng Thái-Huyện Quảng Xương-Tỉnh Thanh Hoá. Các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các cơ quan Trung ương, Bộ quốc phòng, quân chủng Hải quân, tỉnh Thanh Hoá đến thăm quan ngồi kín khán đài. 

Về nhiệm vụ Bảo đảm Công binh đã thành công tốt đẹp Phòng Công binh được cấp trên khen ngợi, tổ tác huấn được thủ trưởng phòng biểu dương. Qua đợt diễn tập này tôi cùng anh em tổ Tác huấn rút ra được nhiều kinh nghiêm. Tôi đã giành thời gian nghiên cứu viết ra tài liệu " Bố trí hệ thống vật cản chống đổ bộ đường biển " và " Mở cửa mở qua hệ thống vật cản chống đổ bộ đường biển ". Đây là hai tài liệu ban đầu nhưng là cơ sở quan trọng dể đưa vào huấn luyện cho Công binh Hải quân nói chung và Hải quân đánh bộ nói riêng. Công binh được TL Giáp Văn Cương biểu dương .

Tư lệnh Giáp Văn Cương quyết định xây dựng công trình cho căn cứ Hạ Long với thời gian rất gấp, nhiều cán bộ Công binh báo cáo không hoàn thành kịp, ông ra chỉ thị phải làm bằng xong, ông đưa ra phương án thuê thuyền vận tải của dân chở cát san lấp thay cho xe chở trên bộ, đã thành công.
Ông quyết định xây dựng Căn cứ Hải quân K25 ở An Hồng - Hải Phòng, huy động lực lượng xây dựng toàn quân chủng cùng cơ quan BTL Hải quân tham gia lao động với khí thế thi đua hừng hực, công trình được xây dựng rất nhanh, tuy nhiên do tình hình hải văn, bồi lắng nắm chưa chắc nên công trình bến nghiêng bị bồi lấp, không phát huy được tác dụng.

Vào đầu tháng 4 năm 1986, đoàn công tác Trường sa do Phó đô đốc Giáp Văn Cương Tư lệnh Hải quân dẫn đầu, Chuẩn Đô đốc Phạm Huấn Phó tư lệnh làm phó đoàn. Thành phần có các cơ quan của Bộ Quốc Phòng, Bộ tư lệnh Hải Quân. Tôi và Đại uý Đỗ Văn Thông được giao nhiệm vụ thay mặt thủ trưởng Phòng công binh đi cùng đoàn. Đoàn khá đông có cả văn công và điện ảnh của Hải Quân, đi trên hai con tầu HQ 505 là tầu đổ bộ lớn nhất của ta thu được từ Hải quân nguỵ và tầu đổ bộ HQ 511 do Liên Xô viện trợ và tàu kéo HQ961 thu được của Mỹ nguỵ. Chuyến đi kéo dài trong một tháng kiểm tra toàn quần đảo. Trường Sa là quần đảo nằm giữa Biển Đông bao gồm 17 đảo nổi và khoảng 100 bãi đá ngầm còn gọi là đảo chìm. Phi líp pin chiếm giữ 7 đảo, Đài Loan chiếm đảo Ba Bình là hòn đảo lớn nhất, chúng ta giải phóng 5 đảo do quân đội ngụy Sài Gòn đóng giữ là Trường Sa, Song Tử Tây, Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn. Còn lại 4 đảo nhỏ không người, năm 1977 Thiếu tướng Giáp Văn Cương được điều về làm Tư lệnh Hải quân, sau khi đi kiểm tra quần đảo Trường Sa về, Ông đã báo cáo lên Quân ủy TW và Bộ Quốc Phòng, năm 1978 Hải Quân Việt Nam đóng giữ nốt 4 đảo nổi gồm: Trường Sa Đông, Sinh Tông Đông, Phan Vinh, An Bang, thế là chúng ta quản lý 9/17 đảo nổi ở Trường Sa . 
Nhiệm vụ xây dựng công trình chiến đấu trên quần đảo Trường Sa được bắt đầu từ năm 1976 với kế hoạch mang tên Z76 và kết thúc vào năm 1984. Tôi được Đại tá Phan Năng Giả Chủ nhiệm Công binh Hải quân giao cho thu thập số liệu viết tổng kết kế hoạch này. Nay ra đảo càng thấy rõ kết quả đã xây dựng và những vấn đề đặt ra cần khắc phục. Công trình trong giai đoạn này đã xây dựng cơ bản đồng bộ, nhưng do điều kiện khó khăn của đất nước sau chiến tranh nên cơ bản là công trình bán lâu bền. Chúng ta tận dụng đá cát san hô tại chỗ để xây dựng lô cốt hầm hào nhà ở cho bộ đội. Từ năm 1980 khi chiến tranh biên giới phía Bắc xảy ra có đưa bê tông thanh lắp ra làm hầm ở Trường Sa. Tới đảo việc đầu tiên là Tư lệnh đi kiểm tra công sự trận địa, ông yêu cầu tôi và anh Thông lắp ghép công sự cho ông xem, do làm chậm lại chưa thành thạo, ông hỏi trong hai đại uý ai làm sếp? thưa thủ trưởng Tôi ạ. Thế rồi Tư lệnh phê bình tôi là nắm chưa chắc, cần nghiên cứu kỹ để hướng dẫn cho anh em lắp dựng ngay công sự trận địa để sẵn sàng chiến đấu. Thực tế thanh bê tông mới đưa ra đảo do tổ thiết kế thi công của Phòng Công binh chỉ đạo, Ban Công binh vùng 4 đảm nhiệm hướng dẫn lắp ghép thành công sự, tôi không phụ trách công việc này nhưng vẫn nhận khuyết điểm. Việc thứ hai là vật cản chống đổ bộ dường biển. Ta đã đưa ra Trường Sa rất nhiều mìn chống đổ bộ đường biển loại PĐM-1 do Liên Xô viện trợ. Mỗi quả mìn có một miếng đường ép lắp vào trước khi thả mìn để làm cơ cấu an toàn khi bố trí mìn, trong 8 phút nước vào làm tan miếng đường đưa quả mìn vào trạng thái chiến đấu. Do khó khăn thiếu thốn bộ đội ta đã lấy một số miếng đường pha nước uống. Tôi kiểm tra phát hiện ra thật là nguy hiểm nhưng không dám báo cáo mà chỉ làm việc riêng với bộ phận Công binh và chỉ huy đảo, rồi có kế hoạch bổ sung. Khi làm tổ trưởng tổ Tác Huấn tôi ngồi cưa ngòi nổ quả mìn này ra nghiên cứu rồi viết tài liệu huấn luyện cho Công binh Hải quân nên nắm vững cấu tạo và nguyên lý hoạt động của loại mìn này. Đến các đảo Tư lệnh đều giao cho tôi mang mìn ra đặt rồi buộc đây vào cần gạt tháo chốt an toàn lên bờ. Toàn đoàn đứng ở cự ly an toàn xem Chúng tôi cầm dây kéo cần gạt tương tự như khi tầu xuồng gạt vào cần, mìn nổ cột nước tung lên cao trắng xoá kèm theo khói thuốc nổ đen ngòm, mục tiêu bị tiêu diệt. Tư Lệnh và đoàn rất hài lòng. Đến đảo Trường Sa tôi được phân công theo bộ phận sang kiểm tra đảo Trường Sa Đông cùng Phó tham mưu trưởng Mai Quang Thái, ở đảo Trường Sa Lớn việc thử nghiệm mìn không thành công, do anh em lúng túng lắp cần gạt không chắc không đóng chốt nên khi kéo dây lôi cả cần gạt lên bờ mìn không nổ, bị Tư lệnh Cương mắng cho một trận. 

Các đảo chìm lúc này ta mới đặt bia chủ quyền chưa đóng giữ. Trong chuyến đi đến đảo chìm Thuyền Chài vào buổi chiều Tư lệnh cho tàu dừng thả neo nghỉ đêm. Đêm trăng lên thuỷ triều xuống giữa biển khơi mênh mông nổi lên một hòn đảo lớn ai cũng ngỡ ngàng, chiều dài khoảng 30 ki lô mét, chiều ngang khoảng hơn 3 ki lô mét. Sáng hôm sau Tư lệnh cử một tổ 7 người do anh Nguyễn Ngọc Sâm phó phòng tác chiến chỉ huy vào kiểm tra tình trạng trên đảo. Đã phát hiện ra nước ngoài đặt trộm bia chủ quyền ở đây. Chúng tôi mang lên tầu, Tư lệnh xem xong rồi bảo khênh quẳng xuống biển. Khối đồng lục lăng có biểu tượng của nước ngoài đã vĩnh viễn chìm xuống đáy Biển Đông mang theo mưu đồ xâm chiếm đảo Thuyền Chài của họ. Tư lệnh nói sẽ có tranh chấp đảo chìm xảy ra, các lực lượng cần chủ động đề xuất biện pháp đối phó. Tôi đã viết bài thơ

ĐẢO THUYỀN CHÀI

Mênh mông giữa đại dương xanh 
Biển ru gió hát mát vành trăng non
Bỗng dưng bừng tỉnh mắt tròn
Nước ròng sóng nhả ra hòn đảo to

Bình minh bới tới lội dò
San hô mừng vẫy ngao sò đón reo
Nhìn Nam, ngắm Bắc dõi theo
Dài mười lăm dặm, ngang nghèo hơn hai

"Khen Em" tên đẹp Thuyền Chài
Ngày mai "Anh" đến pháo đài dựng xây
Chủ quyền biển đảo nơi đây 
Lá cờ Tổ quốc tung bay sáng ngời.

Kết thúc chuyến đi, hành trình vào bờ Tư lệnh họp rút kinh nghiệm và giao nhiệm vu cho các cơ quan đơn vị. Thay mặt Phòng Công binh tôi báo cáo các đảo đang bị xói lở nghiêm trọng, đảo Sơn Ca là nặng nhất có nguy cơ sóng đánh lở cắt đôi đảo. Nguyên nhân chính là do con người, hàng nghìn năm qua đảo vẫn tồn tại chỉ từ khi bộ đội ta ra tiếp quản mới gây ra sói lở như hiện nay. Nguyên nhân thứ nhất là bao quanh đảo có vành san hô, cây san hô mọc lên bao bọc làm vật cản ngăn chặn giảm cường độ sóng đánh vào bờ, từ khi có con người ra hoạt đông nhiều khai thác dẫm đạp làn nát chết san hô chúng không mọc lên nữa và mất di lớp lớp vật cản tiêu sóng. Nguyên nhân thứ hai là do các ụ đá san hô rải rác trên bãi cạn quanh đảo cũng là những vật cản chống sóng, vừa qua bộ đội ta cậy hết lên xây dựng công trình chiến đấu và nhà ở, mất đi vật cản chống sóng tự nhiên thế là gây sói lở đảo. Nguyên nhân thứ ba là chúng ta khơi các luồng lạch cho xuồng vào đảo làm thay đổi dòng chảy cũng gây ra sói lở đảo. Qua đó cần phải dừng ngay việc khai thác đá cát san hô tại đảo để xây dựng công trình và phải có kế hoạch xây tường kè chống sói lở bảo vệ đảo. Nghe xong Tư Lệnh Cương nói: Đồng chí nói đúng, tôi biết tôi dốt kỹ thuật rồi, từ nay trở đi cấm khai thác đá san hô xây dựng công trình, phải có kế hoạch mang từ đất liền ra. Đồng thời ông nói: Đất nước chúng ta còn nghèo việc xây dựng công trình ở Trường Sa rất khó khăn, quê tôi ở Bắc Giang dân làm nhà bằng phương pháp trình tường, các đồng chí Công Binh nghiên cứu lấy cát san hô, mang xi măng ra trộn, ghép ghi nhôm trình tường nhà ở kết hợp công sự chiến đấu cho bộ đội. Thế là khi tầu vào bờ tôi ở lại tiểu đoàn Công Binh Vùng 4 một tháng để nghiên cứu thiết kế rồi lấy ghi nhôm ghép lại dùng xi măng trộn cát trình tường một ngôi nhà mẫu kết hợp công sự ở Cam Ranh thành công. Đồng thời ông cũng giao cho Công Binh nghiên cứu làm nhà chốt giữ đảo chìm, Kỹ sư Hoàng Anh Dũng Công binh V4 nghiên cứu 
Trưởng Ban Công binh Nguyễn Văn Ánh tổ chức 
tận dụng cột điện gỗ thông dầu của Mỹ để lại, ghi nhôm, tôn, đúc cột bê tông để thiết kế nhà C3 sẵn sàng lắp dựng đóng giữ đảo chìm, Kỹ sư Đỗ Văn Thông - Trợ lý Phòng Công binh Hải quân tham gia . 
Chuyến đi Trường Sa đầu tiên của tôi với biết bao kỷ niệm, được đi và làm việc với Tư lệnh Hải quân Giáp Văn Cương một vị tướng tài ba sâu sát cụ thể, đã giúp cho tôi mở rộng tầm nhìn, yêu mến Trường Sa, tự hào với Tổ quốc ta và xác định trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước Việt Nam. 
Cuối năm 1986 nhà C3 đầu tiên được lắp dựng trên đảo chìm Thuyền Chài, đưa bộ đội Lữ đoàn 146 ra chốt giữ đảo. Đầu năm 1987 Tư lệnh ra kiểm tra, thấy chưa yên tâm, ông quyết định xây dựng ngay ngôi nhà lâu bền đầu tiên tại đảo chìm Thuyền Chài với qui mô tổng số 4 tầng, Kỹ sư Đỗ Văn Thông thiết kế, Tiểu đoàn Công binh Vùng 4 thi công.
Ngày 3/9/1987 quốc hội Trung Quốc ra nghị quyết thành lập tỉnh Hải Nam, sáp nhập quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào tỉnh Hải Nam, rồi họ tuyên bố chủ quyền đối với Trường Sa, cho tàu chiến giả dạng tàu đánh cá xuống trinh sát quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Tư lệnh Giáp Văn Cương đã triển khai các biện pháp đối phó với âm mưu xâm chiếm các đảo chìm của đối phương. Đã điều động 2 pông tông, điều các tàu đổ bộ LCU từ Vùng 1 vào Cam Ranh , tiếp tục chuẩn bị các khung nhà C3..
Cuối năm 1987, đầu năm 1988 Trung quốc đưa tàu chiến xuống chiếm đóng trái phép một số đảo chìm của ta. Tư lệnh Giáp Văn Cương đã vào Cam Ranh kiêm chỉ huy trưởng Vùng 4 Hải quân để chỉ huy lực lượng của Hải quân bảo vệ Trường Sa. Chiến dịch CQ 88 ( Bảo vệ chủ quyền Trường Sa 1988 ) được mở ra, lực lượng của quân chủng được huy động cao nhất cho Trường Sa. Tư lệnh Giáp Văn Cương điều hành lực lượng trực tiếp cụ thể, giao cho đồng chí Thư - Chỉ huy phó kiêm Tham mưu trưởng Vùng 4, đồng chí Phán - Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 trực tiếp chỉ huy các tàu ra đóng giữ các đảo chìm. Với pông tông, tàu LCU, tàu vận tải, nhà C3 , đến trước 14/3/1988 trước sự tranh chấp quyết liệt của Trung Quốc, họ chiếm 5 đảo chìm , bằng các biện pháp với quyết tâm cao chúng ta đóng giữ được 12 đảo chìm. 
Trong 3 đảo chìm thuộc cụm đảo Sinh Tồn là Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma , Tư lệnh Giáp Văn Cương đã cho 2 tàu vận tải 1 tàu đổ bộ cùng lực lượng ra dựng nhà chốt giữ đảo. Trung Quốc đưa tàu chiến đến uy hiếp, rồi bắn chìm 2 tàu vận tải ở đảo Gạc Ma và Len Đao, bắn cháy tàu đổ bộ ở đảo Cô Lin, sát hại 64 chiến sĩ, họ chiếm đảo Gạc Ma. Tư lệnh Giáp Văn Cương chỉ thị cho tàu HQ 505 ủi bãi giữ đảo Cô Lin. Ông đã mời Chuẩn đô đốc đại diện hạm đội Thái Bình Dương của Liên Xô đóng tại Cám Ranh đến làm việc, đề nghị Liên Xô cho tàu bệnh viện ra Trường Sa giúp ta cứu thương binh lấy tử sĩ, đã xảy ra cuộc tranh luận nảy lửa nhưng Liên Xô không giúp . Cuối cùng Tư lệnh Cương đã đề nghị qua các cấp lên chính phủ điều tàu kéo Mỹ Á của Bộ GTVT treo cờ chữ thập đỏ cùng tàu vận tải của HQ ra để làm nhiệm vụ này, sau đó tiếp tục đưa quân ra dựng nhà chốt giữ Cô Lin và Len Đao. 
Ngày 4 - 9/5/1988 TL Giáp Văn Cương đã đưa Đại tướng Lê Đức Anh ra thị sát, kiểm tra sẵn sàng chiến đấu, nghiên cứu các phương án bảo vệ Trường Sa.

TƯ LỆNH HẢI QUÂN quyết định đóng giữ Cô Lin và Len Đao bằng nhà sắt C2.
Theo đề xuất của đồng chí Mai Xuân Vĩnh - Phó tư lệnh Tham mưu trưởng, ngày 16 tháng 6 năm 1988 Bộ tư lệnh Hải quân họp, sau khi thảo luận, Tư lệnh Giáp Văn Cương quyết định xây dựng nhà sắt C2 trên các "đảo chìm" Cô Lin và Len Đao.
Đại tá Lê Văn Thư - Chỉ huy phó Tham mưu trưởng Vùng 4, đồng chí Phạm Công Phán - Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 và đồng chí Trần Đình Dần - Trung đoàn phó Tham mưu trưởng Trung đoàn Công binh 83 được giao nhiệm vụ tổ chức đóng giữ hai nơi này. Tư lệnh Hải quân giao cho đồng chí Thư xuống trực tiếp chỉ huy Vùng 4, đồng chí Phán ra Trường Sa trực tiếp chỉ huy lực lượng của Lữ đoàn 146 khu vực cụm đảo Sinh Tồn, đồng chí Trần Đình Dần chỉ huy lực lượng của Trung đoàn Công binh 83 ra lắp dựng nhà ở Cô Lin và Len Đao.
Trung đoàn 83 tổ chức 2 khung, mỗi khung 30 người. Thiếu tá Trần Đình Dần, Trung đoàn Phó - Tham mưu trưởng chỉ huy chung. 
Khung xây dựng đảo Cô Lin do đồng chí Cù Kim Tài - Phó tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 886 làm khung trưởng, đồng chí Nguyễn Bá Chiến - Đại đội trưởng Đại đội 6 làm khung phó, Kỹ sư Nguyễn Duy Thanh phụ trách kỹ thuật. 
Khung xây dựng đảo Len Đao do đồng chí Nguyễn Văn Tuấn - Đại đội trưởng Đại đội 7 làm khung trưởng, đồng chí Nguyễn Văn Cần - Phó Đại đội trưởng làm khung phó, Kỹ sư Cao Đức Như phụ trách kỹ thuật. Đại uý Nguyễn Văn Thống - Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 887 cùng ra chỉ huy .
Quá trình chuẩn bị, thường xuyên được các đồng chí Phạm Huấn - Phó Tư lệnh phụ trách Lục quân, đồng chí Lê Văn Xuân - Phó Tư lệnh về chính trị đến thăm, kiểm tra, động viên. Trước khi lên đường, Tư lệnh Giáp Văn Cương đến giao nhiệm vụ cho Chỉ huy Trung đoàn, trực tiếp giao nhiệm vụ cho đồng chí Trần Đình Dần và nói: Chuyến này các đồng chí đi là rất nguy hiểm, có thể hy sinh, nhưng chết cũng nhất định phải ra xây dựng nhà chốt giữ đảo. Đồng chí Trần Đình Dần hứa với Tư lệnh là sẽ quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Việc triển khai xây dựng nhà C2 trên đảo được tiến hành từng bước rất thận trọng.
Thuyền trưởng tàu HQ613 Cao Đức Tại được gọi lên, Tư lệnh Giáp Văn Cương và Phó Tư lệnh chính trị Lê Văn Xuân giao nhiệm vụ: Tàu HQ613 đưa lực lượng và 2 khung nhà ra đảo Sinh Tồn nằm ở đó. Tàu đổ bộ LCU - HQ462 ra Len Đao trước thăm dò phản ứng của Trung Quốc, nếu yên tĩnh thì HQ462 đến Sinh Tồn nhận hàng và phân đội Công binh từ HQ613 chuyển sang sau đó đến Len Đao... Phải tuyệt đối giữ bí mật, không được để lộ kế hoạch, nếu Trung Quốc biết, là anh hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Vào 1 giờ ngày 21 tháng 6 năm 1988 tàu HQ613 rời quân cảng Cam Ranh hướng ra Trường Sa, hai đồng chí Trần Đình Dần và Nguyễn Văn Thống cùng hai khung xây dựng của Trung đoàn Công binh 83 và hai bộ nhà sắt C2 trên tàu. Tàu cập đảo Sinh Tồn vào 10 giờ ngày 23 tháng 6. Lúc này ở Cô Lin ta có các tàu HQ505 đã lao lên bãi cạn; HQ965, HQ462 ở Sinh Tồn Đông sẵn sàng đến Cô Lin. Tại Len Đao có tàu cá HQ706 và tàu nhỏ HQ187.
Đại tá Lê Văn Thư trên đảo Sinh Tồn và dùng tàu HQ706 cơ động chỉ huy chung.
Đồng chí Phạm Công Phán đi trên tàu kéo HQ965 kéo tàu LCU - HQ462 trực sẵn ở Trường Sa Đông neo lại chờ thời cơ. Khi có lệnh từ Sở chỉ huy Cam Ranh, tàu HQ965 kéo tàu HQ462 về đảo Sinh Tồn cập mạn HQ613 nhận hàng và người.
Đồng chí Phạm Công Phán được lệnh dùng tàu HQ965 kéo tàu LCU HQ462 về Cô Lin. Vào 16 giờ ngày 23 tháng 6, tàu HQ462 từ Cô Lin về Sinh Tồn nhận bộ nhà sắt C2 và khung xây dựng từ HQ613, sau đó cơ động đến Len Đao tiến hành ủi lên bãi cạn, lúc 1 giờ ngày 24 tháng 6 đã vào vị trí qui định.
Tàu HQ965 do đồng chí Phán chỉ huy đến Cô Lin và Len Đao, đồng chí Trần Đình Dần cùng phối hợp đốt đuốc vào xác định vị trí xây dựng nhà sắt C2.
Theo kế hoạch 14 giờ ngày 25 tháng 6 tàu HQ706 từ Len Đao về Sinh Tồn gặp HQ613 để nhận khung nhà C2 và phân đội công binh do đồng chí Cù Kim Tài phụ trách thi công ngay nhà C2 ở Cô Lin, do tình hình yên tĩnh nên tàu HQ613 không chuyển hàng và lực lượng sang HQ706 nữa. Lúc 17 giờ ngày 27 tháng 6, Tàu HQ613 chở phân đội công binh do đồng chí Nguyễn Văn Tuấn làm khung trưởng cùng bộ nhà C2 từ đảo Sinh Tồn đi sang đảo Cô Lin.
Tàu HQ613 hạ xuồng máy và xuồng chuyển tải đưa cấu kiện và lực lượng vào tập kết tại vị trí thi công để dựng nhà ở Cô Lin.
Thiếu tá Trần Đình Dần - Trung đoàn phó, Tham mưu trưởng và Đại uý Nguyễn Văn Thống - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 887 dùng xuồng máy luôn phiên kiểm tra, chỉ huy cả hai khung xây dựng trên 2 đảo Cô Lin và Len Đao.
Vào 18 giờ ngày 29 tháng 6 năm 1988, nhận lệnh của Sở chỉ huy Quân chủng, đơn vị tổ chức cắm cờ trên hai đảo và bắt đầu xây dựng. Đơn vị thi công suốt đêm dựng 8 cột liên kết bu lông với dầm thành khung nhà. Tư lệnh Giáp Văn Cương giao phải tuyệt đối bí mật, trong đêm phải dựng xong. Thực tế đêm tối đen như mực, đồng chí Trần Đình Dần vẫn phải cho đốt đuốc soi bộ đội mới lắp được bu lông dựng xong 8 cột nhà 2 tầng. Sáng sớm ngày 30 tháng 7 đồng chí Lê Văn Thư đi tàu đến kiểm tra khi đã lắp dựng xong khung nhà, điện báo cáo với Tư lệnh Giáp Văn Cương tại Sở chỉ huy Quân chủng tại Cam Ranh, nhưng tàu từ xa nhìn vào bị che khuất, báo cáo về chưa đủ 8 cột. Tư lệnh điện ra chỉ thị tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công, lắp dựng đủ 8 cột ngay... Hai đội xây dựng tập trung lao động suốt ngày đêm và hai công trình được lắp dựng nhanh chóng.
Hồi 11 giờ ngày 1 tháng 7 năm 1988 tàu chiến Trung Quốc từ đảo Gạc Ma sang khiêu khích, khi ấy hai khung nhà C2 đã dựng lên.
Cán bộ chiến sĩ của ta vẫn bình tĩnh thực hiện đối sách, dùng loa phát đi lời khẳng định: Đây là chủ quyền của Việt Nam, yêu cầu Trung Quốc không được xâm phạm. Đồng chí Lê Văn Thư trực chỉ huy ở đảo Sinh Tồn đã phát hiện tàu chiến Trung Quốc từ Gạc Ma sang uy hiếp, đã điện báo cáo vào Sở chỉ huy Cam Ranh. Bộ đã lệnh cho Quân chủng Không quân kịp thời cho một tốp 3 máy bay Su22 của ta bay ra, lượn hai vòng trên cao quanh khu vực cụm đảo Sinh Tồn. 
Bị máy bay Su22 của Không quân nhân dân Việt Nam uy hiếp, tàu chiến của đối phương phải rút lui. Cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 83 quyết tâm cao, lao động miệt mài, đến ngày 7 tháng 7 hoàn thành 2 nhà sắt C2, ngày 9 tháng 7 bàn giao cho lực lượng của Lữ đoàn 146 do Đại tá Phạm Công Phán chỉ huy tiếp nhận đóng giữ hai "đảo chìm" Cô Lin và Len Đao. Lực lượng của Trung đoàn 83 theo tàu HQ613 về đất liền an toàn.
Hai công trình nhà sắt C2 cao 2 tầng được xây dựng đầu tiên trên hai "đảo chìm" Cô Lin và Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa trước sự uy hiếp đe doạ của tàu chiến đối phương, thể hiện quyết tâm, ý chí, bản lĩnh rất cao từ Thường vụ Đảng ủy, Bộ tư lệnh Hải quân, Chỉ huy Vùng 4, Chỉ huy Lữ đoàn 146, Chỉ huy Trung đoàn Công binh 83 và cán bộ chiến sĩ trực tiếp thi công. Là sự phối hợp giữa lực lượng Hải quân và Không quân trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Lá cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên nóc các công trình khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc nơi đây. Thật vui mừng phấn khởi và tự hào. Chúc 

Trước tình hình tàu thuyền của Hải quân công nhiều hạn chế, nhưng TL Giáp Văn Cương quyết tâm đưa tàu chiến ra Trường Sa. Ông đã giao cho Trung đoàn Công binh 83 phá đá cải tạo luồng vào hồ Đá Đông và Đá Tây. Đặc biệt là mở luồng Vào hồ Đá Lớn. Năm 1989 Trung tá Trần Đình Dần - Trung đoàn trưởng Trung đoàn Công binh 83 chỉ huy lực lương ra nổ thử để cùng Tiến sĩ Lê Văn Chung - Viện kỹ thuật Công binh hoàn chỉnh thiết kế. Năm 1990 Thiếu tá Hoàng Kiền - PTMT Trung đoàn 83 ra chỉ huy đơn vị thi công hoàn chỉnh luồng. Với 1600 tấn thuốc nổ và thu hồi từ bom đạn cấp 5 đã đào con kênh đào trên nền đá san hội dài 750 mét, rộng 50 mét, sâu 5 mét nối thông hồ Đá lớn với biển cho tàu vào hồ trực chiến. Quả nổ lớn nhất là 110 tấn bảo đảm an toàn tuyệt đối.
Sau khi đã có ba hồ được thông luồng, TL Giáp Văn Cương quyết định đưa tầu chiến ra Trường Sa, nhiều cán bộ Hải quân có ý kiến không đồng thuận, vì tàu ta nhỏ, chủ yếu tác chiến gần bờ. Ông nói phải hi sinh chiến thuật để bảo đảm yêu cầu chiến dịch. Có tàu chiến ra Trường Sa đã thay đổi tương quan lực lượng giữa Việt Nam và Trung Quốc trên khu vực Trường Sa so với thời điểm 14/3/1988.

ĐÔ ĐỐC GIÁP VĂN CƯƠNG VỚI NHIỆM VỤ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH DK1

Sau sự kiện Gạc Ma ngày 14 tháng 3 năm 1988, Trung Quốc đưa tàu thăm dò của họ xuất hiện sâu xuống phía nam Trường Sa, vào vùng thềm lục địa của Việt Nam. Với tầm nhìn mưu lược, Đô đốc Giáp Văn Cương báo cáo đề xuất, được sự chỉ đạo của cấp trên, ông đã giao nhiệm vụ cho Lữ đoàn 171 cử biên đội tàu HQ 713 và HQ 668 khẩn trương khảo sát đo đạc khu vực thềm lục địa Nam Biển Đông nước ta trên khu vực 6 bãi đá ngầm san hô. Phía Bắc là Phúc Tần (160 km2 ) Huyền Trân (40 km2 ) phía Đông Nam là Ba Kè (1.000 km2 ), phía Tây Nam là Tư Chính (700 km2 ), nằm giữa Phúc Tần và Tư Chính là Phúc Nguyên (300 km2) và Quế Đường (90 km2 ). Gồm những bãi cạn san hô có đỉnh nhô cao dưới mặt nước biển từ 9- 25 mét, trong phạm vi rộng khoảng 80.000 km2, cách đất liền từ 250 đến 300 hải lý. Sau đó tàu đo đạc hàng hải HQ885 có thiết bị đo sâu, định vị có cán bộ phòng quân báo đi cùng, ra đo đạc chính xác lại.
Đây là khu vực có vị trí đặc biệt quan trọng về An ninh - Quốc phòng, là rào chắn phía ngoài vùng khai thác dầu khí, khu vực rất giàu tài nguyên khoáng sản và tài nguyên biển, là tiền đồn phía Nam Trường Sa và nó án ngữ trên đường hàng hải quốc tế qua Biển Đông.
Theo đề nghị của Tư lệnh Hải quân, Bộ Quốc phòng đã báo cáo, Bộ Chính trị họp bàn và quyết định, ngày 17/10/1988 Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã ký QĐ số 19/NQ-TW chủ trương tiến hành xây dựng các công trình trên tất cả các bãi đá ngầm với tên gọi " Trạm dịch vụ kinh tế - khoa học - kỹ thuật trên thềm lục địa Nam Biển Đông" (gọi tắt là công trình DK1). Ngày 05/7/1989 Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) ra Chỉ thị số 180/CT thực hiện, thành lập Ban Chỉ đạo DK1 do Phó chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Trần Đức Lương làm Trưởng ban, phó ban là Thượng tướng Đào Đình Luyện - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và các đồng chí đại diện một số Bộ là Uỷ viên. Đô đốc Giáp Văn Cương - Tư lệnh Hải quân là uỷ viên Ban chỉ đạo. Hệ thống công trình DK1 đã được xây dựng khẩn trương để khẳng định và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên khu vực thềm lục địa Nam Biển Đông .

Đô đốc Giáp Văn Cương mắc bênh hiểm nghèo rồi mất vào ngày 17/3/1990 ở tuổi 69. Cán bộ chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam chúng tôi vô cùng thương tiếc vị tư lệnh tài giỏi, hết lòng vì sự nghiệp xây dưng Hải quân nhân dân Việt Nam, bảo vệ chủ quyền biển đảo nói chung và Trường Sa nói riêng. Ông đã vinh dự được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân .

Hà Nội ngày 13 tháng 9 năm 2021

Hoàng Kiền 
Nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn Công binh Hải quân 83